Hạnh phúc của người thầy khiếm thị

10:06 - 07/08/2024

Với website nguyenvietthuong.com và kênh YouTube: congnghenguoikhiemthi nhiều năm qua, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Viết Thương (hiện làm việc tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khiếm thị, Hội Người mù Thừa Thiên - Huế) đã đưa công nghệ thông tin đến với người khiếm thị khắp mọi miền đất nước.

Bất kỳ ai có nhu cầu đều được sử dụng hoàn toàn miễn phí tài nguyên của các kênh trên. Người khiếm thị sử dụng được máy tính và smartphone như người bình thường nhưng cách tiếp cận lại khác. Mọi thao tác của người khiếm thị trên cả bàn phím và nằm trong trợ giúp của trình đọc màn hình nên nhiều người bình thường biết về công nghệ thông tin cũng không dạy được cho người khiếm thị.
Hạnh phúc của người thầy khiếm thị

Thầy giáo Nguyễn Viết Thương trên lớp học

Ảnh: TGCC

Thấu cảm với những người đồng cảnh ngộ, thầy giáo Nguyễn Viết Thương đã tự nghiên cứu tài liệu làm ra các bài giảng đa phương tiện, tạo điều kiện cho tất cả những người khiếm thị nếu có sự quyết tâm và sự trợ giúp của người thân đều có thể tiếp cận được với công nghệ thông tin, mở ra nguồn ánh sáng mới trong cuộc đời. Mỗi bài giảng từ ý tưởng đến quay phim, hoàn thành đưa lên internet mất khoảng 3 tiếng nhưng thời gian chuẩn bị trước đó thì không thể tính được. Khó khăn vất vả như vậy nhưng đến nay đã có tới gần 100 bài giảng hướng dẫn sử dụng máy tính và smartphone trên các kênh thông tin của thầy Thương.

Đối với những người khiếm thị đã được làm quen với công nghệ thông tin, bài giảng của thầy Thương là nguồn tài liệu để cho họ ôn lại kiến thức và tự học nâng cao. Đối với những người chưa được tiếp cận với công nghệ thông tin, bài giảng của người thầy là chìa khóa mở ra chân trời mới.

Rút kinh nghiệm từ các học viên của những lớp tin học do Hội Người mù Thừa Thiên - Huế tổ chức, thầy Thương nhận thấy rằng, người khiếm thị tiếp cận công nghệ thông tin rất hạn chế. Thầy đã công khai số điện thoại trên các kênh của mình để những ai quan tâm có thể gọi đến. Thầy rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng hướng dẫn cách cài trình đọc màn hình và giải thích những phần người nghe chưa hiểu. Ngoài ra, thầy thường xuyên sưu tầm, cập nhật các ứng dụng phù hợp với người khiếm thị để chia sẻ với mọi người.

Hạnh phúc của người thầy khiếm thị

Thầy giáo Nguyễn Viết Thương làm việc trên máy tính

Ảnh: TGCC

Ngoài khóa tin học ngắn hạn do Tổ chức JICA – Nhật tài trợ (năm 2017), thầy Nguyễn Viết Thương chưa từng qua lớp đào tạo giáo viên dạy người khiếm thị nào nhưng những bài giảng của thầy rất đi vào lòng người, dễ hiểu với mọi đối tượng khiếm thị, vì người dạy luôn đặt mình vào vị trí của người học. Thầy chia sẻ: "Học tập trung chỉ là nền tảng ban đầu, muốn giỏi thì phải tự học qua tài liệu".

Người khiếm thị dùng máy tính là một quá trình phức tạp. Người khiếm thị sử dụng máy tính chuyên sâu như thầy Thương phải ghi nhớ hàng trăm phím tắt và hiểu được máy tính nói tiếng Việt và tiếng Anh. Bằng nỗ lực tự học của bản thân, năm 2017, thầy Nguyễn Viết Thương đã đạt giải nhì trong cuộc thi công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị toàn quốc. Xem bài giảng của thầy mới hiểu những việc người thầy âm thầm làm cho cộng đồng người không nhìn thấy ánh sáng lớn gấp nhiều lần giải thưởng.

Thầy Thương tâm sự rằng, thấy rất mong có thêm nhiều bạn khiếm thị biết sử dụng máy tính và smartphone, bởi công nghệ thông tin hiện nay được coi là cặp mắt thứ hai của người khiếm thị.

Ngoài công nghệ thông tin, Nguyễn Viết Thương còn có một tiệm tẩm quất cổ truyền (mang tên Bình Minh, ở P.Vĩnh Ninh, TP.Huế), tạo việc làm cho 5 người khiếm thị. Kinh doanh thì phải có lãi nhưng Nguyễn Viết Thương không đặt lợi nhuận lên đầu mà coi trọng chất lượng dịch vụ và sức khỏe nhân viên. Tiệm tẩm quất công khai số điện thoại trên internet và sẵn sàng tư vấn cho khách hàng muốn tự xoa bóp tại gia đình và có cả website (www.massagebinhminh.com) để đăng tải những bài về xoa bóp cổ truyền sưu tầm được. Rian Pham, một người bạn của tôi trở về từ Phần Lan trong lần tới Huế công tác đã đến tiệm tẩm quất Bình Minh thư giãn. Bạn cho biết: "Tiệm có nhân viên đều là người khiếm thị hoàn toàn, nhưng rất sạch sẽ. Nhân viên thân thiện, các bạn sống rất lạc quan, luôn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi".

Hạnh phúc sẽ đến với những người không đầu hàng số phận

Nguyễn Viết Thương sinh năm 1992, quê xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Anh bị hỏng mắt do căn bệnh đục thủy tinh thể. Năm 1998, anh đi học chữ Braille (hệ thống chữ nổi) ở Hội người mù Thừa Thiên -Huế, nhờ thành tích học tập tốt, anh được chọn gửi đi học hòa nhập ở trường phổ thông bình thường. Năm 2006, anh được tiếp cận với công nghệ thông tin, năm 2018 anh trở thành giáo viên dạy tin học và smartphone. Năm 2020, Nguyễn Viết Thương xây dựng gia đình với một người phụ nữ đồng tật, hiện đã có một bé trai khỏe mạnh, hơn hai tuổi. Mặc dù cả hai vợ chồng cùng là người khiếm thị nhưng mọi việc trong gia đình và chăm sóc con họ đều tự lo, không phải nhờ bố mẹ hai bên.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Người hùng xí nghiệp - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...