Theo ông Hồng, việc nghề chế biến mì Quảng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định được giá trị văn hóa của tri thức dân gian; qua đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực mì Quảng, góp phần tạo ra sản phẩm ẩm thực đặc trưng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển làng nghề, phát triển kinh tế địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mì Quảng.
Tỉnh Quảng Nam cho rằng suốt từ nửa sau thế kỷ 15 cho đến thời kỳ các chúa Nguyễn, vùng đất rộng lớn phương Nam với thổ nhưỡng phì nhiêu, sản vật phong phú nhưng còn thưa vắng bóng người đã trở thành "miền đất hứa" đối với cư dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và đồng bằng Bắc bộ đang khao khát tạo lập một không gian sống mới.
Các thế hệ tiền nhân qua lao động cần cù, cải tạo, thích nghi với điều kiện tự nhiên trên vùng đất mới, dần dần đã định hình nên bản sắc, cốt cách con người xứ Quảng.
Một trong những biểu hiện rõ nét, sinh động của cốt cách ấy là đặc tính ẩm thực mà mì Quảng là một minh chứng tiêu biểu; nghề chế biến mì Quảng hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng.
Ngoài ra, mì Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, mì Quảng chính là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian, món ăn hiếm hoi có thể "chiều" được tất cả các kiểu khách. Món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.
Với những giá trị nổi bật trên, nghề chế biến mì Quảng tại Quảng Nam xứng đáng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản.