Nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Cor (Quảng Ngãi) tồn tại và phát triển gắn liền với lễ hội ăn trâu từ hàng ngàn năm trước, được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện bản sắc văn hóa, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc Cor.
Cây nêu của người Cor thường có 3 loại ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau. Nhưng cao nhất là cây nêu được dựng vào ngày tết ngã rạ (cao khoảng 10 - 15 m).
Phần thân cây nêu được trang trí hoa văn 2 màu đen, đỏ tượng trưng cho trời và đất. Thân cây nêu còn được treo những bộ Gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Cor) và mâm thờ.
Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc. Cùng với bộ Gu, cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Cor coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.
Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh. Có những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ Gu. Nghi lễ dựng cây nêu chỉ có ở người Cor. Đó chính là di sản văn hóa được tôn vinh từ năm 2015.