Khán giả xem sẽ nhận ra bóng dáng của mình và cha mẹ mình trong vở kịch. Bởi có 3 gia đình với 3 hoàn cảnh khác nhau, người thì ở với con trai, dâu, cháu nội; người thì ở với rể; người chăm lo cho con gái, kiểu gì thì khán giả cũng "dính" vào. Cho nên kịch mới chạm đến trái tim khán giả, mới khiến người ta bàng hoàng, vỡ lẽ. Nhiều khi không cố ý bất hiếu, nhưng vẫn là vô tâm, hoặc kém tinh tế, hoặc ỷ lại như hồi còn thơ bé quen được nuông chìu… Vở kịch chạm đến nhiều ngóc ngách trong cuộc sống tưởng như rất "bình thường" của chúng ta, nhưng hóa ra chúng ta đã vô tình giẫm lên bông hồng Vu Lan lúc nào không hay. Tháng 7 (âm lịch) xem vở này thật phù hợp. Mà cứ gì tháng 7, tháng nào chúng ta lại không cần sống tử tế với đấng sinh thành.
Quốc Thảo, Hữu Nghĩa, Quỳnh Hương đóng vai những người cha người mẹ thật hay. Một ông Ba hiền lành, một ông Chín dí dỏm, một bà Tám bao đồng, nhưng họ đủ sức làm khán giả khóc. Đặc biệt Quỳnh Hương là cô đào cải lương nổi tiếng, chuyên đóng vai lão, được mời đóng kịch liên tục. Chị đã thả vào vở diễn những câu ru, điệu hò, bài bản cải lương ngọt lịm. Lớp diễn ba ông bà cụ gặp nhau làm sống lại không gian miền Tây xưa cũ khiến khán giả bồi hồi.
Một Kim Tuyến vai cô con dâu quyền lực trong nhà, bên cạnh Quách Ngọc Tuyên vai anh con trai phụ thuộc vợ; một Ngọc Mai vai cô con gái nhõng nhẽo; một Khương Hưng vai chàng rể ỷ lại, đều rất trẻ và rất mới, có người từ điện ảnh lần đầu đóng kịch, có người là học trò của Quốc Thảo, nhưng họ làm khán giả dễ chịu vì nét thanh xuân, diễn chân thật không vướng vào kỹ thuật. Sân khấu tràn đầy vẻ tươi mới.