Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa: Ngày N tại đồi A1

10:17 - 06/04/2024

Trong 55 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ(13.3.1954 - 7.5.1954), cuộc chiến đấu của quân đội ta tại đồi A1 là cam go, ác liệt nhất, kéo dài 38 ngày (30.3.1954 - 7.5.1954).

 

Đó là 38 ngày bão lửa - tên hồi ức của Đại tá Vũ Đình Hòe (1928 - 2022), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 - đơn vị chủ công đánh đồi A1 tại chiến dịch. Kỷ niệm 70 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, được sự đồng ý của gia đình, Báo Thanh Niên trân trọng giới thiệu hồi ức này.

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa: Ngày N tại đồi A1

Di tích lịch sử đồi A1

A1 là một cứ điểm của địch trên quả đồi cách trung tâm Mường Thanh khoảng 500 m về hướng đông nam. Theo lệnh của Đại đoàn 316, từ đầu tháng 12.1953, các đơn vị vừa xây dựng trận địa vừa tiến hành trinh sát địch để khi trận địa xong là bắt đầu tấn công.

Sau Tết Giáp Ngọ (1954), khoảng ngày 6.2, các cán bộ tiểu đoàn và đại đội được triệu tập lên trung đoàn để quán triệt về kế hoạch tác chiến mới, theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Theo kế hoạch này thì mục tiêu của trung đoàn 174 là A1. Trung đoàn quyết định dùng Tiểu đoàn 249 đột phá từ hướng đông, có nhiệm vụ đánh chiếm khu vực trung tâm và khoảng 2/3 vị trí đồi A1. Tiểu đoàn 251 mở đồng thời mũi đột phá theo hướng đông nam - tây bắc chia cắt và diệt 1/3 vị trí A1 từ hướng tây, chặn quân phản kích của địch từ A3 lên, bảo đảm cho Tiểu đoàn 249 hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó tùy tình hình Tiểu đoàn 251 sẽ phát triển xuống A3.

Ngày 13.3, được biết hôm đó các đơn vị bạn sẽ đánh vài điểm phía bắc (cụm cứ điểm Him Lam) nên bộ đội nghỉ đào hào gần địch để bảo đảm an toàn. Riêng tôi cùng một số cán bộ đại đội đã đến chân đồi A1 để tranh thủ xem động tĩnh của địch, đồng thời cũng kiểm tra lại đoạn giao thông hào ở khu vực xuất phát tiến công bị địch lấp lúc ban chiều. Khi đến đoạn hào cuối cùng thì một đồng chí giẫm phải quả mìn phát sáng địch cài lại khi lấp hào. Nghe tiếng nổ "bốp", mọi người vừa kịp nằm xuống trước khi pháo toả sáng thì địch đã bắn liền 2 quả cối 60 ly vào chỗ chúng tôi. Các anh em khác đều an toàn, chỉ mình tôi bị một mảnh đạn vào tay trái. Vết thương không nặng nhưng bị mẻ một miếng xương nên khá đau.

Đồi A1 trong 38 ngày bão lửa: Ngày N tại đồi A1

Đại tá Vũ Đình Hòe thăm phòng trưng bày kỷ vật chiến thắng đồi A1 tại Điện Biên Phủ (2004)

Hôm sau, tuy đau tôi vẫn cố lên trung đoàn họp để nghe tình hình các đơn vị bạn chiến đấu hôm trước. Thấy tôi bị thương, anh Nguyễn Hữu An - trung đoàn trưởng - một mặt động viên, một mặt phê bình nhẹ tôi vì để bị thương không cần thiết trong lúc tình hình đang khẩn trương. Mấy hôm sau đó, vết thương sưng tấy phát sốt nên tôi không lên họp ở Đại đoàn để nghe phổ biến tình hình nhiệm vụ mới. Anh Lê Sơn - tiểu đoàn phó - đã thay tôi kiểm tra, đôn đốc mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Mọi công việc chuẩn bị đã tạm ổn, bộ đội được động viên sẵn sàng chiến đấu. Vào một ngày hạ tuần tháng 3, Đại đoàn tổ chức một cuộc họp cán bộ để tổng kết công tác chuẩn bị và phát động đợt thi đua lập công. Sau buổi lễ phát động thi đua, chiều 28.3, Đại đoàn 316 phổ biến cho cán bộ tiểu đoàn biết ngày N là 30.3. Như vậy các đơn vị có hơn một ngày để kiểm tra lại các công việc đã chuẩn bị.

Từ hôm dự lễ phát động thi đua trên Đại đoàn về, Bằng Khê (sau này là Thiếu tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1) có vẻ phấn khởi, khoe đã "xin" được văn công xuống tiểu đoàn biểu diễn trước khi bộ đội xuất quân. Nhưng suốt ngày 29.3 không thấy ai nói gì đến văn công. Trời mưa gió tầm tã, hầm hố ướt át, tôi hỏi: "Trời đất thế này văn công có xuống không? Nếu xuống thì ở đâu? Kế hoạch biểu diễn thế nào?". Lê Sơn ngồi bên cạnh cười khà khà nói: "Thế nào em T.C chả đến, người ta đã hẹn nhau rồi. Ta sẽ nhường cho họ ở khu chỉ huy này, chỉ để Bằng Khê ở lại tiếp thôi, còn mọi người xuống đại đội nằm cũng được".

Bằng Khê cũng cười vui vẻ nói: "Đừng lo chuyện đón tiếp, họ chỉ đến một lúc vào chiều mai thôi. Đây không phải là buổi biểu diễn cho bộ đội xem mà chỉ múa hát chào mừng trước khi bộ đội xuất quân thôi". Tuy không biết chương trình cụ thể của đoàn văn công ngày hôm sau ra sao, song mọi người cũng vui vẻ chờ đợi mà không bàn tán gì thêm. (còn tiếp)

Năm 1964, Thiếu tướng Lê Quảng Ba (1915 - 1988), Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316, kể lại trong hồi ký về Điện Biên Phủ:

"Trước trận đánh, tôi xuống tiểu đoàn 249, tiểu đoàn chủ công đánh vào A1. Gặp tiểu đoàn trưởng Vũ Đình Hòe, tôi hỏi: Có quyết tâm, có chắc thắng không?

Hòe trả lời: Chắc thắng. Chỉ cần vào đồn là một giờ sau sẽ giải quyết xong.

Tôi hỏi các chiến sĩ đại đội chủ công. Anh nào cũng hăng hái, phấn khởi tỏ ra quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ".

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...