Theo đó, triển lãm gồm 4 chủ đề chính: Vai trò chữ Quốc ngữ tại Việt Nam, Bình Định trong dòng phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ, quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ tại Bình Định, phát huy giá trị di sản văn hóa hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định.
Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định trong thời gian từ ngày 5.4 - 30.6.
Theo ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, vùng đất Bình Định không chỉ có bề dày về truyền thống lịch sử - văn hóa với nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mà còn là nơi có ảnh hưởng quan trọng, chủ đạo trong giai đoạn phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ 17.
Qua các tài liệu lịch sử, cảng thị Nước Mặn (H.Tuy Phước, Bình Định) là nơi ghi dấu ấn quan trọng cho sự phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ 17 (1618 - 1625). Nhà in Làng Sông (H.Tuy Phước) là một trong ba cơ sở in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, gồm nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in Làng Sông. Vì vậy, mảnh đất và con người Bình Định đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phôi thai, hình thành, phát triển và truyền bá chữ Quốc ngữ.
"Triển lãm giới thiệu hàng trăm tư liệu, tài liệu, hình ảnh để khẳng định vai trò của Bình Định là một trong những nơi phôi thai "khởi nguyên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ"; góp phần nâng cao nhận thức về về sự hình thành, truyền bá của chữ Quốc ngữ tại Bình Định và bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử và phát triển du lịch địa phương trong thời gian tới", ông Lâm Trường Định cho biết.
Ngoài ra, trong thời gian triển lãm (từ ngày 5.4 - 30.6), tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định còn tổ chức các hoạt động như: Triển lãm ảnh nghệ thuật Đất và người Bình Định với sự phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ; thi tìm hiểu về sự hình thành chữ Quốc ngữ; tọa đàm Nhà lá mái Bình Định - nét đặc trưng và việc bảo tồn, phát huy di sản; tọa đàm Khám lý Trần Đức Hòa và sự phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ tại Bình Định…