Chào đón năm mới 2024, với mong muốn tìm về nguồn cội trong những ngày đầu năm 2024, Hoa hậu Ngọc Hân, NTK Minh Hạnh cùng 16 nhà thiết kế trẻ trong cả nước sẽ kể câu chuyện trở về "nơi mình sinh ra" qua tà áo dài truyền thống.
Chương trình nghệ thuật áo dài "Nơi tôi sinh ra" do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các đơn vị tổ chức sẽ diễn ra vào tối 5/1 tại khu Thái học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của tà áo dài là chủ đạo.
Đặc biệt, lần đầu tiên, ê kíp sản xuất chương trình ứng dụng trình chiếu ánh sáng 3D mapping trong một chương trình biểu diễn thời trang áo dài. Tại đây, 18 nhà thiết áo dài trong cả nước sẽ kể câu chuyện trở về nơi được sinh ra bằng vẻ đẹp của những chiếc áo dài, với mong muốn đưa khán giả trở về nguồn cội quê hương của các nhà thiết kế nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung.
18 nhà thiết kế tham gia chương trình bao gồm: Minh Hạnh, Diệp Anh, Ngọc Hân, Cao Minh Tiến, Thanh Thuý, Trịnh Bích Thuỷ, Duy Nguyễn, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Phương Thảo, Laura, Trần Thiện Khánh, Viết Bảo, Huệ Thi, Nguyễn Thuý, Trung Beret.
Hoa hậu - NTK Ngọc Hân chọn chủ đề cho bộ sưu tập áo dài của mình là tranh dân gian truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Chị cho biết: "Với niềm yêu thích những bộ tranh dân gian truyền thống, cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, lần này tôi có cơ hội may mắn được biết đến tranh Kim Hoàng vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng đã từng bị thất truyền trong khoảng thời gian khá dài. Tranh Kim Hoàng, hay còn gọi là Tranh Đỏ mang chủ đề chính gắn liền với những hình ảnh quen thuộc gần gũi trong đời sống nông thôn miền Bắc. Cụ thể đó là tranh lợn, gà, cuộc sống đồng quê, ông Công ông Táo… Tranh đỏ đa dạng chủ đề, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người mua, có dùng cho mục đích chơi tết hay thờ đều phù hợp, đem đến cuộc sống ấm no, yên bình. Tranh Kim Hoàng là sự kết hợp giữa in, tô màu, vẽ một cách khéo léo tạo ra tranh uyển chuyển nhưng đường nét dứt khoát".
Nhà thiết kế Thanh Thúy chọn Điện Biên - nơi cô sinh ra để lấy cảm hứng "sáng tác" cho những trang phục áo dài. Cô kể lại: "Ông ngoại thường kể cho tôi về những chiếc xe tăng và áo trấn thủ, về những anh hùng trong cuộc chiến chống Pháp "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Từ cảm xúc đó, nhà thiết kế Thanh Thúy thêu lên những khoảnh khắc hào hùng của những cuộc chiến chống Pháp lên trang phục áo dài. Không gì tuyệt vời hơn khi bức tranh thu nhỏ của Điện Biên được phác họa thẩm mỹ lên tà áo dài.
Với nhà thiết kế Viết Bảo, trời Huế biếc xanh trong Cố đô hửng nhẹ ánh hồng nắng thu, cảm hứng từ ráng chiều cùng nét bảng lảng bâng khuâng đã mang đến nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập áo dài; nhà thiết kế Ngọc Hân với niềm yêu thích những bộ tranh dân gian truyền thống, cùng với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng kể về nét văn hóa đất Thăng Long; nhà thiết kế Huệ Thi với bộ sưu tập áo dài độc đáo kể về quê hương xứ Quảng với ký ức tuổi thơ lam lũ hay nhà thiết kế Minh Hạnh thổi hồn vào tà áo dài bằng ký ức còn đọng lại từ những sắc màu thổ cẩm và những đôi mắt sâu thẳm hiền hòa của những người dân tộc nơi thành phố sương mù Pleiku...
Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đây là chương trình được mong đợi, gợi lại cho mọi người nhiều cảm xúc về nơi mình sinh ra, nhất là trước thềm năm mới. Thông qua các bộ sưu tập áo dài, trong tâm thức mỗi người ùa về những hình ảnh thân thương của quê hương Việt Nam từ Bắc tới Nam. Dù là những hình ảnh rất bình dị nhưng nó chứa đựng hồn cốt của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Những mạch nguồn đó che chở cho dân tộc và nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Chương trình là món quà đặc biệt, sự kết nối giữa đương đại với truyền thống, đem đến cho khán giả nguồn năng lượng mới khi Tết Giáp Thìn 2024 sắp đến gần.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...