Cristóbal Balenciaga nổi tiếng với tay nghề may đo thủ công tinh tế với những thiết kế đầy sáng tạo. Nhà tạo mẫu người Tây Ban Nha được người đời gọi bằng danh xưng “Bậc thầy của những bậc thầy” trong thời trang cao cấp.
Nhắc tới Balenciaga, người ta nghĩ ngay đến một thương hiệu thời trang cao cấp, những phụ kiện táo bạo, thiết kế bền vững cùng những buổi trình diễn thời trang của các cô người mẫu nổi tiếng nhất xã hội.
Tuy nhiên, người sáng lập ra thương hiệu này lại có lối sống kín đáo. Cristóbal Balenciaga nổi tiếng về quyền riêng tư, bí mật và kiểm soát mọi khía cạnh của quá trình thiết kế. Bộ phim "Cristóbal Balenciaga" của Disney kết hợp với Tây Ban Nha đã vén bức màn về cuộc sống riêng tư của ông trong suốt 30 năm ông sống ở Paris từ năm 1937, nơi ông đã nâng cao tay nghề của mình, vượt qua những thử thách cá nhân và nghề nghiệp. Bên cạnh đó, bộ phim còn tái hiện quá trình Cristóbal Balenciaga đưa thương hiệu thời trang của mình vươn tầm quốc tế.
Lourdes Iglesias, đạo diễn phim "Cristóbal Balenciaga" cho biết: "Mặc dù Balenciaga sinh ra rất gần nơi tôi sống ở Tây Ban Nha, nhưng tôi không biết chút nào về ngoại hình của ông ấy. Chúng tôi phai thu thập những chi tiết, thông tin rất nhỏ từ người khác để chắp vá nên nhân vật trong phim".
Iglesias cho biết quá trình nghiên cứu để xây dựng một bức tranh về Balenciaga rất dài, chi tiết và khó khăn, đặc biệt là vì ông ấy là một người kín tiếng và ít trả lời phỏng vấn báo chí.
Cristóbal Balenciaga - một tài năng trẻ
Vào một ngày của năm 1895 tại Getaria, một làng chài nhỏ thuộc vùng Basque, miền bắc Tây Ban Nha, Cristóbal Balenciaga đã chào đời. Mẹ của ông, một thợ may, đã mang thế giới thời trang đến với ông.
Balenciaga bắt đầu thiết kế khi còn là một thiếu niên và nhanh chóng có được người bảo trợ đầu tiên - một người phụ nữ quyền lực trong thị trấn. Người này đã gửi ông đến trường dạy cắt may ở Madrid và mặc những bộ quần áo đó.
Ở tuổi 22, Balenciaga mở cửa hàng đầu tiên tại thị trấn ven biển San Sebastian, sau đó mở thêm cửa hàng tại các thành phố thời trang Madrid và Barcelona. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Nội chiến Tây Ban Nha đã buộc các cửa hàng của ông ở Tây Ban Nha phải đóng cửa. Vào năm 1937, ông chuyển đến Paris với tham vọng táo bạo: Thành lập hãng thời trang của riêng mình và gia nhập những thương hiệu thời trang như Coco Chanel, Elsa Schiaparelli và những hãng thời trang cao cấp khác trên thế giới.
Bộ phim "Cristóbal Balenciaga" đã bắt đầu tái hiện chân dung và sự nghiệp của Balenciaga từ đây. Bắt đầu từ quá trình gia nhập vào nền thời trang Paris trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. "Chúng tôi nghĩ đây là khoảng thời gian quan trọng nhất và thú vị nhất của Balenciaga".
Bộ phim đã tái hiện được khoảng thời gian 30 năm khi sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà thiết kế thời trang dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Pháp và sự thay đổi thị hiếu trên thị trường thời trang cao cấp trong những năm sau chiến tranh.
Nó cũng cho thấy những thách thức mà cá nhân Balenciaga phải đối mặt, cụ thể là cái chết của Wladzio Jaworowski d'Attainville, người đứng đầu thương hiệu và là người tình của Balenciaga vào năm 1947.
Đối với Iglesias, việc thể hiện kỹ năng của Balenciaga với tư cách là một thợ may bậc thầy là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong cách kể chuyện của bộ phim truyện. Iglesias nói: "Balenciaga biết chính xác cách may một chiếc cúc, cách may cả một chiếc váy. Balenciaga không vẽ phác thảo và chỉ nhìn thấy cách vải chuyển động và dựa vào đó để tạo nên một chiếc váy. Balenciaga không tin tưởng để giao cho người khác hoàn thiện chiếc váy".
Thật vậy, những người cùng thời với Balenciaga, kể cả các đối thủ ở Paris đã công nhận tài năng của ông: Christian Dior gọi ông là "bậc thầy của tất cả chúng ta", Coco Chanel nhận xét rằng ông là "thợ may couturier thực sự duy nhất" và người bảo trợ của ông là Hubert de Givenchy nói rằng ông là "người kiến trúc sư của thời trang cao cấp".
Thử thách tái tạo các thiết kế từ quá khứ
Cách tiếp cận thời trang đầy sáng tạo và táo bạo của Balenciaga được thể hiện xuyên suốt bộ phim truyện. Tài năng của Balenciaga đã giữ chân một lượng khách hàng trung thành, nổi tiếng trong suốt những năm 1940 và hơn thế nữa, bao gồm Grace Kelly, Wallis Simpson và Marlene Dietrich, cũng như những người ngưỡng mộ bao gồm các biên tập viên thời trang đáng kính của Mỹ Carmel Snow và Diana Vreeland.
Để tái tạo lại diện mạo ban đầu của thương hiệu Balenciaga, Maison Balenciaga đã cấp cho Iglesias và các nhà thiết kế trang phục của phim là Bina Daigeler và Pepo Ruiz Dorado, quyền truy cập vào kho lưu trữ và bảo tàng của thương hiệu. Daigeler cho biết có tới 80 bản tái tạo các thiết kế của Balenciaga đã được thực hiện cho buổi trình diễn, cùng với những món đồ cổ điển mà Balenciaga để các diễn viên mặc. Iglesias cho biết: "Việc trưng bày những chiếc váy mang tính biểu tượng nhất là rất quan trọng, nhưng chúng tôi cũng cần tính đến mục đích sử dụng một chiếc váy để phù hợp hơn với câu chuyện mà chúng tôi muốn kể".
Iglesias cũng nói thêm rằng cũng có những cân nhắc thực tế khi quyết định nên tái tạo loại trang phục nào. "Chúng tôi phải chọn những trang phục dễ sao chép hơn. Bởi vì không thể sao chép một số loại vải đã không còn dùng nữa".
Thật vậy, sự chú ý của Balenciaga đến từng chi tiết khi nói đến vải rất tỉ mỉ. Bộ phim truyện mô tả việc phát minh ra "gazar", một loại lụa cứng được tạo ra đặc biệt và dành riêng cho nhà thiết kế. Cấu trúc của vật liệu này đã giúp Balenciaga tạo ra một số thiết kế mang tính biểu tượng, giống kiến trúc nhất của ông trong những năm 1960. "Đó là chủ nghĩa hoàn hảo. Balenciaga thích kiểm soát mọi thứ", Iglesias nói.
Sự kiểm soát đó liên quan trực tiếp tới sự tồn tại của chính thương hiệu Balenciaga. Đây cũng là điều mà Iglesias muốn miêu tả trong "Cristóbal Balenciaga".
"Di sản của Balenciaga rất, rất quan trọng và ông ấy không muốn Maison tiếp tục mang tên mình dưới một nhà thiết kế khác. Bản chất của bộ truyện là về quyền tác giả của Balenciaga. Chỉ có Balenciaga là tác giả của những chiếc váy của mình", Iglesias nói.
Sau khi Balenciaga qua đời vào năm 1972, thương hiệu này đã không hoạt động trong 14 năm cho đến khi được công ty mỹ phẩm và nước hoa Jacques Bogart SA của Pháp mua lại và bắt đầu giới thiệu các dòng sản phẩm may sẵn (một khái niệm mà Balenciaga đã từ chối trong những năm ông ở Paris).
Người ta cho rằng việc bổ nhiệm nhà thiết kế thời trang người Pháp gốc Bỉ Nicolas Ghesquière làm Giám đốc sáng tạo vào năm 1997 và việc bán ngôi nhà sau đó cho tập đoàn thời trang xa xỉ Pháp Kering vào năm 2001 đã xoay chuyển vận mệnh của Balenciaga, làm sống lại hình ảnh thương hiệu cho kỷ nguyên hiện đại.
"Balenciaga coi trọng sự riêng tư và nó trái ngược với chủ nghĩa phô trương mà chúng ta thấy ngày nay. Tôi nghĩ Balenciaga là một nhân vật khác so với những gì khán giả biết. Tôi nghĩ thật tốt khi nói về điều đó. Biết về nguồn gốc của một thương hiệu luôn là điều tốt", Iglesias nhấn mạnh.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...