Từ hooligan đến khủng bố, từ phân biệt chủng tộc đến tội phạm công nghệ cao, danh sách vấn đề cần đối phó của nước chủ nhà EURO 2024 cứ thế mà dài dằng dặc. Các lực lượng an ninh sẽ phải cố gắng giữ an toàn cho 2,7 triệu khán giả và 24 đội bóng tại 10 sân trong thời gian diễn ra 51 trận đấu. Ngoài ra, còn có khoảng 12 triệu người ở các khu vực dành cho CĐV. Giám đốc giải đấu Philipp Lahm tuyên bố: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định vấn đề an ninh là ưu tiên 1".
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Đức mời hơn 500 cảnh sát từ những nước khác đến hỗ trợ công tác giữ gìn an ninh cho EURO. Tất cả các nước có đội bóng dự VCK đều cử người đến Trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế (IPCC) tại TP.Neuss. Giám đốc IPCC Oliver Strudthoff giải thích: "Cảnh sát mỗi nước đều am hiểu về các thành phần chuyên gây rối trong nước mình. Họ sẽ là những chuyên gia, giúp chúng tôi phát hiện các nguồn gây rối dễ dàng hơn. Số lượng chuyên gia đến từ mỗi nước khác nhau, tùy theo lượng CĐV đi theo đội bóng và mức độ phức tạp của những CĐV ấy. Ví dụ như cảnh sát Anh sẽ đến đây nhiều hơn cảnh sát Thụy Sĩ".
Mỗi trận, tùy tình hình, sẽ có khoảng 800 đến 1.300 cảnh sát túc trực tại mỗi sân. Trước mắt, trận Serbia - Anh vào rạng sáng 17.6 theo giờ VN đã được xác định là trận đấu có nguy cơ cao mà bộ phận an ninh sẽ đặc biệt lưu ý. Sẽ có khoảng 40.000 CĐV Anh và 8.000 CĐV Serbia, trong đó có khoảng 500 hooligan, đến Gelsenkirchen.
ĐỐI PHÓ "SÓI CÔ ĐƠN" LÀ KHÓ NHẤT
Theo chuyên gia chống cực đoan Hans-Jakob Schindler, một trong những việc khó nhất của công tác giữ an ninh thật ra không phải là đối phó với các tổ chức nguy hiểm có nguy cơ lớn, mà là đối phó với các vụ bạo lực đơn lẻ. Chẳng hạn như một "sói cô đơn" nào đó lặng lẽ vào khu vực dành cho CĐV rồi bất ngờ tấn công.
Tuần trước, cảnh sát đã bắt giữ một trường hợp chuẩn bị gây rối tại EURO. Nhân vật này đã nộp đơn xin làm việc ở một bộ phận phục vụ công tác tổ chức EURO. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Fraeser đánh giá vụ bắt giữ này là một "thành công lớn", cho thấy thủ tục kiểm tra ngay đầu vào của nước Đức đang thật sự phát huy hiệu quả. Việc kiểm tra ở biên giới và mọi cửa ngõ ra vào nước Đức đã được tăng cường mạnh mẽ trong những ngày này.
Đối phó khủng bố là vấn đề muôn thuở. Theo chuyên gia an ninh Johannes Saal của Trường đại học Lucerne, các sự kiện thể thao lớn luôn là cơ hội đặc biệt để khủng bố hoạt động. Đây là vấn đề được quan tâm ở những nơi tập trung đông người, như khu vực cho CĐV. Còn theo giới truyền thông thì nguy cơ gây rối lớn nhất đối với công tác giữ an ninh tại EURO này đến từ các hooligan và các vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Đội tuyển Ukraine đã đoạt vé dự EURO trong khi đội Nga vẫn bị cấm vận. Cho nên, vấn đề bảo đảm an ninh cho đội tuyển Ukraine, từ nơi cư trú đến các trận đấu của họ, trở thành một trong những công việc mấu chốt.
Đứng trước mọi khó khăn, bà bộ trưởng Fraeser vẫn tin rằng CĐV đến từ khắp nơi có thể thư giãn, tận hưởng một kỳ EURO vui vẻ trong mùa hè này. Bà Fraeser nói: "Đây không phải là một cái bẫy đang chờ các bạn bước vào. Đây là một sự kiện lớn đã được chuẩn bị kỹ và tổ chức chặt chẽ. Còn lại chỉ là một vấn đề nhỏ tùy thuộc vào chính các CĐV. Đừng đến để gây bạo lực. Chúng tôi công nhận sự tồn tại của mọi nguy cơ và sẽ làm hết sức để đối phó với mọi nguy cơ".