Điều đáng chú ý ở chỗ Xuân Son không chơi đủ số trận của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm nay. Cầu thủ này vắng mặt ở 3 trận đầu tiên vòng bảng, gặp Lào (ngày 9.12.2024), Indonesia (15.12.2024) và Philippines (18.12.2024). Nếu Xuân Son ra sân ở trận chung kết lượt về vào ngày 5.1 tới đây, trên sân Rajamangala tại Bangkok (Thái Lan), tiền đạo của đội tuyển Việt Nam chỉ thi đấu tổng cộng 5 trận.
Thi đấu không đủ số trận, nhưng dấu ấn của Nguyễn Xuân Son cực lớn. Anh đóng góp quá lớn cho hành trình của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm nay. Đặc biệt, trong 4 trận đã qua của mình, trận nào Nguyễn Xuân Son cũng ghi bàn: 2 bàn trong trận đấu với Myanmar ở vòng bảng, 1 bàn ở bán kết lượt đi với Singapore, 2 bàn trong trận bán kết lượt về cũng với Singapore, 2 bàn trong trận chung kết lượt đi với Thái Lan.
Tổng cộng, Xuân Son đã ghi được 7 bàn thắng, dẫn đầu danh sách vua phá lưới. Cầu thủ này bỏ xa những người ở gần mình nhất trong cuộc đua đến danh hiệu này, gồm Shawal Anuar (Singapore), Patrik Gustavsson và Suphanat Mueanta (Thái Lan), cũng như Nguyễn Tiến Linh (đội tuyển Việt Nam), mỗi người trong số họ hiện có 4 bàn thắng.
Gần như Xuân Son đã chạm tay vào danh hiệu vua phá lưới, vì rất khó có chuyện Patrik Gustavsson, Suphanat Mueanta và Tiến Linh ghi nhiều hơn 3 bàn trong trận chung kết lượt về. Không chỉ có thế, Xuân Son còn có khả năng rất cao giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Trong lịch sử các kỳ AFF Cup, đã có 3 cầu thủ Việt Nam giành danh hiệu này, gồm Nguyễn Hồng Sơn tại AFF Cup 1998, thủ môn Dương Hồng Sơn năm 2008 và Nguyễn Quang Hải tại AFF Cup 2018. Trong số đó, Dương Hồng Sơn và Nguyễn Quang Hải giành Quả bóng vàng AFF Cup khi đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch.
Cũng trong lịch sử các kỳ AFF Cup, chỉ có 2 cầu thủ từng giành cùng lúc danh hiệu vua phá lưới lẫn Quả bóng vàng trong cùng 1 kỳ giải. Đó là Noh Alam Shah (Singapore) tại AFF Cup 2007 và Chanathip Songkrasin (Thái Lan) tại AFF Cup 2020.
Tuy nhiên, tại AFF Cup 2020, Chanathip Songkrasin chỉ là đồng vua phá lưới với 3 cầu thủ khác, mỗi người chỉ ghi được 4 bàn thắng. Có nghĩa là nếu Xuân Son vừa có danh hiệu vua phá lưới, vừa có Quả bóng vàng AFF Cup 2024, anh chỉ mới là người thứ 2 độc chiếm danh hiệu này trong cùng 1 kỳ giải, ngang với Noh Alam Shah của Singapore cách đây 18 năm.
Nói thế để thấy rằng, việc độc chiếm danh hiệu Quả bóng vàng lẫn vua phá lưới trong cùng 1 kỳ AFF Cup là việc rất khó, phải là cầu thủ thực sự vượt trội mới thực hiện được. Ngay đến cầu thủ xuất sắc hàng đầu lịch sử bóng đá Thái Lan Kiatisak Senamuang cũng chưa bao giờ độc chiếm cả 2 danh hiệu vừa nêu trong cùng 1 năm. Kiatisak từng giành Quả bóng vàng AFF Cup 2000, nhưng năm đó anh không phải là người dẫn đầu danh sách vua phá lưới.