Tiếp đà thành công sau vụ phóng tên lửa H3 số 2 mang theo một vệ tinh kiểm định và 2 vệ tinh chức năng siêu nhỏ lên quỹ đạo vào ngày 17/2 vừa qua, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo sẽ tiếp tục phóng tên lửa H3 số 3 vào ngày 30/6 sắp tới.
Theo JAXA, các công tác chuẩn bị để phóng tên lửa thế hệ mới H3 số 3 lên quỹ đạo hiện đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến vào lúc 12h06 ngày 30/6, tên lửa này sẽ được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, tỉnh Kagoshima. Trong trường hợp có sự thay đổi kế hoạch về lịch trình vì lý do bất khả kháng, như thiên tai, thời tiết xấu…, thời gian tiến hành phóng tên lửa sẽ được ấn định từ ngày 01 - 31/7 sau đó.
Tên lửa thế hệ mới H3 số 3 dự kiến mang theo một vệ tinh quan sát trái đất Daichi-4. Đây là vệ tinh được phát triển bởi JAXA và Công ty Mitsubishi Electric với chi phí khoảng 32 tỷ yên, được sử dụng để đánh giá một cách toàn diện về những thiệt hại trong trường hợp xảy ra thảm họa, cũng như có khả năng phát hiện sớm những bất thường liên quan đến hoạt động của các núi lửa.
Trước đó ngày 17/2, Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H3 số 2 mang theo một vệ tinh kiểm định và 2 vệ tinh chức năng siêu nhỏ lên quỹ đạo. Đây được đánh giá là nỗ lực và khẳng định quyết tâm của Nhật Bản trong lĩnh vực vệ tinh vũ trụ đầy cạnh tranh. Trong vụ phóng đầu tiên diễn ra tháng 03/2023, chế độ tự hủy đã được kích hoạt chỉ sau ít phút tên lửa được phóng đi vì động cơ giai đoạn 2 của tên lửa hoạt động không như tính toán. Trước đó, JAXA cũng đã phải hủy kế hoạch phóng thử H3 do có ít nhất một động cơ đẩy của tên lửa không kích hoạt mặc dù động cơ chính đã hoạt động.
Tên lửa H3 là thế hệ tiếp nối của H2A. Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển thành công H3 để sử dụng không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò mà còn để tham gia các nhiệm vụ đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Ước tính chi phí chế tạo 1 tên lửa H3 là 5 tỷ yên (37 triệu USD), chỉ bằng 1 nửa so với chi phí chế tạo H2A, nhưng lại có năng lực phóng vệ tinh cao hơn 1,3 lần. Tên lửa H2A của Nhật Bản được đưa vào khai thác từ năm 2001, có tỷ lệ phóng thành công là 97,8%.
Nhật Bản đặt tham vọng mỗi năm sẽ đưa 6 vệ tinh lên quỹ đạo và hướng đến sự ổn định trong tương lai. Theo các nhà lãnh đạo Nhật Bản, công nghệ tên lửa thế hệ mới H3 không chỉ góp phần thực hiện ổn định kế hoạch không gian cơ bản của nước này, mà còn có thể đáp ứng nhu cầu khám phá vũ trụ không gian đa dạng ở cả Nhật Bản và quốc tế.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...