Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ đã bước sang tháng thứ ba mà chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức triển khai phái bộ bảo vệ giao thông hàng hải, lực lượng Houthi vẫn tiếp tục tấn công tàu thương mại đi qua vùng biển này.
Việc các hãng vận tải container ồ ạt chuyển hướng “né” Biển Đỏ, đã kéo theo giá cước vận tải tăng vọt thời gian qua, cùng với đó là tình trạng ùn tắc đang diễn ra tại nhiều bến cảng.
Tuyến hàng hải qua Biển Đỏ bị gián đoạn xuất phát từ làn sóng tấn công của phong trào Houthi ở Yemen. Giá cước vận tải đã tăng 150% trong 45 ngày qua, sau khi nhiều nhà vận tải biển phải chuyển hướng tàu sang đường vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, kéo dài hành trình thêm 12 - 15 ngày.
Tờ Daily Mail (Anh) dẫn số liệu cho thấy, giá vận chuyển container toàn cầu đã tăng hơn 300% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 do khủng hoảng ở Biển Đỏ. Việc nhiều hãng vận tải ngừng sử dụng tuyến vận tải thông thường từ châu Á đến châu Âu qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez khiến mỗi chuyến đi giữa châu Á và Bắc Âu mất thêm từ 10 ngày đến 2 tuần, trong khi các tàu thường xuyên cập cảng không đúng lịch trình.
Nhiều hãng tàu gặp khó khăn trong việc neo đậu tại một số cảng, gây tình trạng ùn tắc. Trong khi đó, việc chuyển hướng tuyến vận tải cũng gây ra tình trạng thiếu tàu. Các cảng trung tâm lớn cũng đang chịu thêm áp lực, với lượng hàng vào các cảng trung tâm ở châu Á và Địa Trung Hải tăng cao, đặc biệt là ở Singapore, Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE) và các cảng xung quanh eo biển Gibraltar.
Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức triển khai sứ mệnh hải quân mang tên Chiến dịch Aspides nhằm bảo vệ các tàu chở hàng ở Biển Đỏ khỏi các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi. Trong khuôn khổ sứ mệnh này, các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không của châu Âu sẽ có mặt ở Biển Đỏ, Vịnh Aden và các vùng biển xung quanh. Cho đến nay Pháp, Đức, Italy và Bỉ cho biết họ có kế hoạch cho tàu tham gia.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm qua (20/02) đã đến Crete, Hy Lạp để tiễn tàu khu trục nhỏ Hessen tham gia sứ mệnh Aspides của Liên minh châu Âu tại Biển Đỏ, được hạ thủy hôm 19/2.
“Liên minh Châu Âu đã cho phép thực hiện sứ mệnh Aspides. Khinh hạm Hessen đã sẵn sàng khởi hành ở Biển Đỏ, với mục đích bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và an toàn trên biển. Nhưng đó cũng là vì sự ổn định của cả khu vực, bởi vì các cuộc tấn công của Houthi đặt trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông, đang gây bất ổn thêm cho khu vực, gây nguy hiểm cho các tuyến thương mại giữa châu Âu và châu Á. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là Đức, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phải đóng góp đáng kể ở đây, cụ thể là với con tàu này, khinh hạm Hessen, một trong những khinh hạm hiện đại nhất, một trong những tàu chiến hiện đại nhất".
Sứ mệnh Aspides kéo dài một năm sẽ đảm bảo sự hiện diện của hải quân EU trong khu vực, nơi liên tục chứng kiến các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại quốc tế kể từ tháng 10 năm ngoái.
Theo dữ liệu của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc, các công ty vận tải lớn bao gồm Maersk, MSC và CMA CGM đã chuyển sang tuyến mũi Hảo Vọng với hành trình dài hơn, cắt giảm 39% lượng vận chuyển hàng ngày qua Kênh đào Suez và 45% trọng tải hàng hóa. Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni vừa cho biết, do việc vận chuyển qua Biển Đỏ đã được định tuyến lại nên thời gian giao hàng đối với các chuyến hàng giữa châu Á và châu Âu đã tăng thêm 10-15 ngày và chi phí của các chuyến hàng này đã tăng khoảng 400%.
Trong bối cảnh an ninh hàng hải ở khu vực bị đe dọa, Mỹ cũng công bố thành lập liên minh an ninh trên Biển Đỏ, gồm 10 quốc gia, nhằm dập tắt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của lực lượng này nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ hồi tháng 12 vừa qua. Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu vẫn chưa khắc chế được Houthi. Mới nhất ngày hôm qua (20/2), lực lượng Houthi ở Yemen lại tuyên bố đã tấn công một tàu vận tải của Israel ở Vịnh Aden.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...