Hầu hết, trong các vụ án liên quan đến ngân hàng, từ vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Trần Phương Bình - DongA Bank, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn... tòa án đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động ngân hàng… để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Nhưng thực tế, khi sự việc đến giai đoạn khởi tố thì thiệt hại đều vượt qua sự kiểm soát.
Thanh tra, giám sát, kiểm toán… vẫn không phát hiện sai phạm?
Điển hình, ở vụ án Trương Mỹ Lan, trước khi vụ án bị phanh phui, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã bị thanh tra, kiểm tra 2 đợt trong 2 năm 2014 - 2015.
Cụ thể, một lần thanh tra do Cục thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM tiến hành; lần 2 là đoàn thanh tra liên ngành (cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, kiểm toán nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia); và 1 lần là giai đoạn xử lý sau thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hoạt động của SCB còn chịu sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước thông qua tổ giám sát liên quan mục tiêu tại Đề án hợp nhất, kế hoạch tái cơ cấu từng giai đoạn, từ 2013 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2023.
Song sai phạm tại SCB xảy ra trong 10 năm, từ năm 2012 đến năm 2022, vụ án mới bị phát hiện khởi tố, cho thấy có nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Bên cạnh đó, qua các vụ án liên quan ngân hàng như DongA Bank, SCB, hằng năm, các ngân hàng đều được kiểm toán, không cho thấy các điểm bất thường về tài chính; nhưng khi các sai phạm bị phát hiện thì kết quả kiểm toán sau đó cho thấy các ngân hàng đều lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, sau khi hợp nhất, SCB đã thuê các công ty kiểm toán lớn kiểm tra báo cáo tài chính hằng năm và kết quả thẩm định thường niên từ 2012 - 2021, tức trước khi vụ án bị khởi tố (năm 2022 vụ án bị phát hiện, khởi tố - PV), SCB đều ghi nhận lợi nhuận lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỉ đồng.
Nhưng khi sai phạm bị phát hiện, SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10.2022 khi âm vốn chủ sở hữu lên đến hơn 443.700 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 464.500 tỉ đồng. Như vậy, thực tế công tác kiểm toán đã thực sự khách quan, chính xác, minh bạch? Và trách nhiệm của các công ty kiểm toán này như thế nào?
Giám sát chéo trong ngân hàng
Ông Võ Phước Long (giảng viên khoa Luật, Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, trong hệ thống pháp luật về kiểm soát ngân hàng có nhiều hàng rào pháp lý và luật hình sự - tức tội phạm và hình phạt chỉ là hàng rào pháp lý ngăn chặn cuối cùng, một khi đã áp dụng thì coi như thất bại ở khía cạnh giám sát ngân hàng.
“Trong tài chính - ngân hàng, kiểm soát rủi ro rất quan trọng, nếu không được kiểm soát thì hậu quả cho nền kinh tế và xã hội là rất lớn. Bởi hoạt động ngân hàng không chỉ là vấn đề quyền sở hữu mà nó là huyết mạch nền kinh tế của một đất nước”, ông Long đánh giá.
Theo ông Long, các thủ đoạn phạm tội trong các “đại án” ngân hàng thường lặp đi lặp lại nhưng tại sao lại không được ngăn chặn sớm để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại. Nguyên nhân chính nằm ở khâu giám sát chưa hiệu quả.
Nói về những mức án tử hình, tù chung thân, hàng chục năm tù mà tòa tuyên phạt các bị cáo liên quan các đại án ngân hàng, ông Long cho rằng: “Nếu sợ (sợ các mức án - PV) thì sau Huỳnh Thị Huyền Như sẽ không có các vụ án sai phạm ngân hàng khác, sẽ không có Trương Mỹ Lan. Họ không sợ vì thực tế lợi ích lớn hơn nỗi sợ trừng phạt của pháp luật hình sự. Chưa kể, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, họ còn chuẩn bị phương án “cao chạy xa bay” trong khi công tác hỗ trợ tư pháp của Việt Nam chưa đủ mạnh, người phạm tội có suy nghĩ rằng họ sẽ trốn thoát được”, ông Long chia sẻ.
Đi tìm giải pháp an toàn trong hệ thống tài chính quốc gia trong hệ thống ngân hàng, theo ông Long là cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát: đó chính là không để ngân hàng độc quyền về thanh tra, kiểm tra, giám sát.
“Nên chăng sử dụng triết lý dùng quyền lực giám sát quyền lực. Thay vì đoàn thanh tra giám sát chỉ độc quyền trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước thì cần có nhiều cơ quan khác cùng tham gia để giám sát hoạt động của ngân hàng. Ví dụ trong đoàn thanh tra ngoài Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm đại diện Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Bộ Tài chính… cùng tham gia giám sát các ngân hàng. Các thành viên liên ngành tham gia giám sát không chỉ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của ngân hàng bị giám sát tại thời điểm thanh tra, mà còn sau khi họ đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu", ông Long đưa giải pháp và cho rằng nếu có sự giám sát chéo thì sự cấu kết, liên minh phạm tội giữa chủ thể bị giám sát và liên ngành kiểm tra, giám sát sẽ khó hơn.
“Đây là cách các nước trên thế giới dùng để kiểm soát quyền lực”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Võ Phước Long, tội phạm ngân hàng là tội phạm "cổ cồn trắng", tức người phạm tội là giới tri thức, học vấn cao, quan hệ xã hội rộng và thường gây hậu quả rất nghiêm trọng.
“Suy cho cùng, bản chất trong tội phạm ngân hàng là chiếm đoạt tài sản nhưng nguy hiểm hơn so với tội phạm thông thường bởi không chỉ kéo theo lợi ích vật chất, mất tài sản mà còn làm lũng đoạn thị trường tài chính quốc gia”, ông Long nói và cho rằng: phải làm sao để nền tài chính được minh bạch, lấy niềm tin của người dân trong quản lý nhà nước thì đấy mới là đích đến trong phòng ngừa rủi ro ở hệ thống tài chính ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông Long, ở các vụ ngân hàng, 70% đều liên quan đến bất động sản, nên chăng, tất cả giao dịch bất động sản tại Việt Nam đều phải thông qua ngân hàng, tuyệt đối không dùng tiền mặt để kiểm soát dòng tiền.