MUỐN GIẢI QUYẾT NHANH THÌ PHẢI “CẢM ƠN”
Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Master Life, bị đề nghị mức án 4 – 5 năm tù, với cáo buộc đưa hối lộ 8,1 tỉ đồng. Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Xa thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng mong HĐXX cân nhắc đến bối cảnh vụ án.
Theo lời bị cáo Xa, Công ty Master Life từng xin cấp phép 2 chuyến bay đưa công dân về nước nhưng đều bị từ chối, khiến bị cáo phải bán nhà để trả nợ. Tháng 6.2021, DN này tiếp tục xin cấp phép lần thứ 3 và vẫn gặp trục trặc. Sau lần thua lỗ trước, bị cáo Xa rất sợ chuyến bay sẽ lại bị hủy, vì không còn nhà để bán mà trả nợ, nên đã liên hệ với Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được gợi ý liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an.
Trao đổi với cán bộ tại A08, bị cáo Xa được cho hay văn bản của công ty bị từ chối vì “sếp không biết DN em là ai cả”. Bị cáo Xa trao đổi với bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ A08, thì được gợi ý “để giải quyết nhanh thì em nên làm việc theo cơ chế cảm ơn đi”. Bị cáo Xa buộc phải đi xoay tiền để đáp ứng yêu sách. “Lần đầu ép phải đưa rồi, lần sau cứ thế phải đưa thôi, như một thông lệ”, bị cáo Xa giải thích về việc đưa hối lộ nhiều lần.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Xa hơn một lần cho biết rất ấm ức vì bị o ép khi làm thủ tục cấp phép. Bị cáo kể có chuyến bay 240 chỗ ngồi thì có tới 10 hũ tro cốt, khi hỏi tại sao không cấp phép cho DN thì nhận được câu trả lời “bên đó chưa cấp thiết”. “Vậy bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết?”, nữ bị cáo nói.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa còn cho rằng giai đoạn đầu tổ chức các chuyến bay, lẽ ra sự đồng thuận phải là trách nhiệm của các bộ, ngành; Cục Lãnh sự phải là đơn vị đi giải quyết vướng mắc chứ không phải DN. “Bị cáo rất giận, giận lắm, giận Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì tại sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó và đến ngày hôm nay là nguyên nhân dẫn đến một loạt sai phạm của bị cáo, là hành vi đưa tiền cho các cán bộ trong vô thức”, bị cáo phân trần.
Lời bào chữa của bị cáo Xa gợi nhớ tới lời khai của bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty CP Vijasun, tại phần xét hỏi trước đó. Bị cáo Dương khai rằng bị ép buộc phải chi tiền hối lộ, điển hình như việc Cục Lãnh sự gây khó khăn bằng việc mai bay thì nay mới cấp phép, đặt DN vào thế vô cùng khó khăn. Hiểu rằng muốn được cấp phép thì phải chi tiền, nên khi có cán bộ đưa yêu sách, ví dụ Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, ra giá 150 triệu đồng/chuyến, bị cáo đành phải chấp nhận. “Giai đoạn ấy, các cán bộ ở Cục Lãnh sự lẽ ra phải bảo hộ công dân nhưng lại hành dân”, bị cáo này thốt lên.
KHÔNG ĐỂ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM
Ngược lại lời khai của một số DN về việc bị gây khó dễ khi làm thủ tục cấp phép chuyến bay, nhóm bị cáo là các cựu quan chức, cán bộ lại một mực khẳng định đã làm đúng quy trình, đã tạo điều kiện hết sức có thể cho DN, số tiền nhận từ DN là do họ cảm ơn sau khi tổ chức chuyến bay thành công.
Điển hình như bị cáo Phạm Trung Kiên, người nhận hối lộ nhiều nhất, lên tới 253 lần với tổng cộng 42,6 tỉ đồng, dù nhiều lần bị “tố” o ép, buộc DN phải chi tiền mới được phê duyệt, nhưng bị cáo này đều bác bỏ, cho rằng DN chủ động đưa tiền cho mình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo đều làm đúng quy trình, không có thẩm quyền và cũng không can thiệp vào việc chấp thuận hay không chấp thuận chuyến bay.
Tương tự, một bị cáo khác cũng bị cho là ép DN chi tiền hối lộ là Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự. Bị cáo Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 32 lần tổng cộng 25 tỉ đồng. Tại bản kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết bị cáo Lan chỉ lựa chọn các DN do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ, đã chi tiền trước hoặc hứa hẹn sẽ chi tiền để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Các DN chưa tiếp xúc hoặc thỏa thuận đưa hối lộ sẽ bị gây khó dễ bằng việc chỉ cho thực hiện chuyến đầu tiên, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản; tự ý ra văn bản yêu cầu DN dừng triển khai chuyến bay trong khi đã bán hết vé máy bay và thuê tàu bay, buộc DN đưa tiền hối lộ để được tiếp tục triển khai…
Tuy nhiên, tự bào chữa trước tòa, bị cáo Lan phủ nhận, nói luôn thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc tạo điều kiện tối đa cho công dân từ nước ngoài về nước, “luôn coi công dân bị mắc kẹt, gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân của gia đình mình”. Biện minh về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Lan cho rằng nhận thức của bản thân tại thời điểm ấy chưa đầy đủ nên đã nhận quà của đại diện các DN, mong được tha thứ.
Rõ ràng có sự mâu thuẫn giữa các bị cáo là đại diện DN và các bị cáo là nhóm cựu quan chức. Một bên cho rằng bị ép phải chi tiền “bôi trơn”, bên kia thì khẳng định không có việc gây khó dễ, nhận quà cảm ơn với suy nghĩ hoàn toàn “trong sáng”. Bên nào đúng sẽ do HĐXX đánh giá. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý là theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó giám đốc Công ty Bluesky, người đưa hối lộ lên tới hơn 100 tỉ đồng, rằng chưa chi tiền thì DN được cấp phép ít, thậm chí cấp phép sát ngày bay; còn sau khi đã chi tiền thì thuận lợi hơn, lên tới 109 chuyến. Bị cáo hiểu rằng nếu không chi tiền thì không thể được cấp phép nhiều như thế.
Hoặc như nhận định của Viện kiểm sát khi luận tội, các bị cáo nhóm cựu quan chức đã gây khó khăn trong quá trình thẩm định, xét duyệt, dẫn tới “luật bất thành văn” DN phải chi tiền thì mới được cấp phép. Một số cho rằng việc nhận tiền là do DN cảm ơn, nhưng đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội, cần phải có nhận thức đúng đắn nhằm loại bỏ thứ “văn hóa phong bì”. Các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện DN cảm ơn với số tiền bằng cả gia tài mà nhiều người mơ ước.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.