3 bị cáo là cựu cán bộ thuộc Đội QLTT số 17 (Hà Nội) cùng bị tuyên phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với mức án thấp nhất là 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất là 30 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trần Hùng nộp lại 300 triệu đồng, là số tiền nhận hối lộ; buộc bị cáo Cao Thị Minh Thuận và nhiều bị cáo liên đới nộp lại khoảng 30 tỉ đồng, là số tiền thu lợi bất chính từ việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả.
Bản án sơ thẩm xác định từ đầu năm đến tháng 6.2021, bị cáo Thuận cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này đã tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển.
Trước đó, ngày 9.7.2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết bị cáo Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đưa cho bị cáo Trần Hùng 300 triệu đồng. Nhận tiền, bị cáo Trần Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, đồng thời can thiệp, tạo điều kiện xử lý vụ việc theo hướng vi phạm hành chính thay vì chuyển sang cơ quan điều tra.
Quá trình xét xử, 35/36 bị cáo thừa nhận hành vi, riêng bị cáo Trần Hùng một mực kêu oan, khẳng định không nhận tiền, không hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai. Tham gia bào chữa, luật sư của bị cáo Trần Hùng cho rằng, căn cứ buộc tội có nhiều mâu thuẫn, bị cáo có chứng cứ ngoại phạm, đề nghị trả tự do ngay tại tòa.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng như cáo buộc của viện kiểm sát. Bằng chứng là lời khai của các bị cáo Hải, Thuận và những người liên quan, cùng đó là kết quả thực nghiệm hiện trường, các file ghi âm cuộc gọi, sơ đồ mô tả vị trí và quá trình đưa tiền do bị cáo Hải tự vẽ…