Trong số 54 bị cáo, 21 người là cựu quan chức, cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương, cùng bị truy tố tội nhận hối lộ. Nhóm này được xác định đã nhận tiền hơn 500 lần từ doanh nghiệp (DN), với tổng số tiền gần 165 tỉ đồng. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, có tới 18 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt đến tử hình nhưng theo bản luận tội tại phần tranh luận của đại diện Viện KSND TP.Hà Nội, chỉ 1 người bị đề nghị mức án tử hình (bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), còn lại thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất đến 20 năm tù.
Trình bày lời sau cùng, các cựu quan chức đều kể về thành tích của bản thân trong quá trình công tác nói chung và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nói riêng, để HĐXX xem đây là tình tiết giảm nhẹ, cân nhắc mức án. Điển hình, bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhắc về 22 năm công tác, trong đó 5 năm làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã “hết lòng hết sức, bất kể ngày đêm vì Quảng Nam phát triển, giàu đẹp hơn”; riêng về phòng chống dịch, bị cáo đã “tận hiến tất cả những gì có thể, không còn gì phải hối tiếc”. “Tôi chỉ tiếc duy nhất một điều là đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của DN, đã “trót đà gây việc chông gai, còn chờ lượng bể thương bài nào chăng”, bị cáo Tân “lẩy Kiều” và mong HĐXX bao dung, cho bị cáo cơ hội sớm trở về để “một nhà sum họp trúc mai, càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông”.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định hơn 30 năm công tác “luôn tâm niệm sống tốt với đồng nghiệp, tận tụy với công việc và sự nghiệp phát triển đất nước, chưa bao giờ có ý niệm về chạy chọt, tơ hào tiền của nhà nước”. Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, bị cáo luôn nỗ lực cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao triển khai mọi mặt công tác, từ hợp tác quốc tế, ngoại giao vắc xin cho đến bảo hộ công dân, “không bao giờ dám trục lợi”. Bị cáo mong được đánh giá khách quan về động cơ, mục đích cũng như bối cảnh phạm tội, bởi bị cáo tiếp xúc với DN “luôn trong thế bị động chứ không hề có sự bàn bạc, gây khó dễ”.
Tương tự, bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỉ đồng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan nói suốt 27 năm công tác “luôn theo đuổi nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, chưa bao giờ có tư tưởng vụ lợi cá nhân”. Bị cáo cho rằng việc nhận quà từ DN do quá nể nang, không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ, đến nay đã nhận thức rõ và rất hối hận.
“NẠN NHÂN CỦA VĂN HÓA PHONG BÌ”
23 bị cáo là đại diện các DN bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt thấp nhất 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất đến 12 năm tù, cùng về tội đưa hối lộ. Nhóm này đã hơn 400 lần chi tiền “bôi trơn” với tổng số tiền gần 165 tỉ đồng để được cấp phép các chuyến bay.
Được nói lời sau cùng, phần lớn bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, mong HĐXX ghi nhận công sức đã đóng góp trong việc đưa công dân về nước, để cho hưởng mức án nhẹ nhất có thể. Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife, thừa nhận “sai đã sai rồi, đưa đã đưa rồi, nhận cũng nhận rồi”, nhưng kết quả đạt được là hàng trăm nghìn đồng bào được về nước an toàn. Bị cáo mong HĐXX nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra phán quyết.
NỮ BỊ CÁO XIN ĐI TÙ THAY CHO CỰU THIẾU TƯỚNG CÔNG AN
Theo cáo buộc, để được cấp phép 109 chuyến bay, các bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng dùng hơn 38,5 tỉ đồng để hối lộ nhiều quan chức. Khi vụ án dần bị phanh phui, bà Hằng và ông Sơn chi thêm 2,65 triệu USD (hơn 61 tỉ đồng) để đưa cho cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cựu thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nhờ bị cáo Tuấn kết nối với bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an), nhằm lo lót cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. Đến nay, cơ quan tố tụng xác định bị cáo Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD, số còn lại bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm về tội môi giới hối lộ.
Nói lời sau cùng, bị cáo Hằng cho biết ngay sau khi phát hiện lỗi lầm của bản thân, bị cáo từng muốn ra tự thú, nhưng rồi “sự việc đáng tiếc” (phi vụ “chạy án” – PV) đã xảy ra. Nữ bị cáo mong được hưởng khoan hồng, đồng thời xin giảm nhẹ cho bị cáo Tuấn, thậm chí “nếu được, bị cáo xin được cộng những ngày tháng bị giam của anh Tuấn vào bản án của bị cáo để anh ấy được về chăm sóc mẹ già và chữa bệnh”.
Về phần mình, bị cáo Tuấn từng nói coi Hằng như em gái, đứng ra làm trung gian “chạy án” là bởi nể nang, tin người và thương người; suốt 44 năm công tác, bị cáo luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện, cuối cùng lại vấp ngã khi chuẩn bị nghỉ. Trong khi đó, bị cáo Hưng một mực kêu oan từ đầu tới cuối.
Một số bị cáo khác tha thiết mong HĐXX cân nhắc đến bối cảnh vụ án, bởi suy cho cùng DN “cũng là nạn nhân của “luật ngầm” mang tên phong bì”, do các bị cáo là cựu quan chức “nắm đằng chuôi”. Điển hình như bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, cựu Phó giám đốc Công ty Bluesky. Công ty Bluesky là DN được phê duyệt 109 chuyến bay. Bị cáo Hằng nhắc đến gần 30.000 công dân được về nước trên các chuyến bay do công ty thực hiện, nói rằng “càng đưa nhiều người dân về nước, tội càng nặng”, do phải đưa hối lộ tương ứng. Vì thế, bị cáo Hằng xin HĐXX xem xét cho mình cũng như tất cả lãnh đạo DN đứng trước tòa, trên cả hai phương diện công và tội.
Tương tự, bị cáo Lê Hồng Sơn, cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky, nói rằng ngay trong bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát đã chỉ rõ DN phải đưa hối lộ vì bị o ép, bị gợi ý; riêng với Công ty Bluesky thì 80% chuyến bay thuộc trường hợp như vậy. “Một việc nữa bị cáo muốn chia sẻ, ai là người được hưởng lợi, DN hay là ai? Trong vụ án này, DN của bị cáo vừa là người vi phạm vừa là người bị hại, là nạn nhân của cơ chế xin – cho, của văn hóa phong bì, của sự thiếu hiểu biết về pháp luật”, bị cáo Sơn nói và mong HĐXX đánh giá tất cả những gì bị cáo đã trình bày để có một bản án nhân văn, giáo dục, răn đe hơn là trừng phạt.