BỊ CÁO TRƯƠNG MỸ LAN CHI PHỐI, ĐIỀU HÀNH SCB
Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận chi phối, điều hành Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn (SCB) để tham ô tài sản. Luật sư cho rằng bị cáo Lan không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản, bởi HĐQT mới quyết định mọi hoạt động của SCB.
Đối đáp, VKS nêu "luật sư nói HĐQT mới quyết định mọi hoạt động của SCB là không đúng luật Doanh nghiệp, luật Các tổ chức tín dụng và các tài liệu, chứng cứ, kết quả thẩm tra công khai tại phiên tòa".
VKS đánh giá SCB là ngân hàng TMCP, vì vậy hoạt động theo luật Doanh nghiệp, luật Các tổ chức tín dụng và quy định liên quan, theo đó đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, hoặc tổ chức tín dụng; có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm HĐQT...
Trong khi đó, cáo trạng của VKS kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan chi phối, điều hành mọi hoạt động của SCB, dựa vào chứng cứ: tài liệu điều tra khẳng định bị cáo Lan thâu tóm, sở hữu, chi phối, có quyền quyết định đối với toàn bộ 65% cổ phần SCB trước khi hợp nhất 3 NH, và chi phối, định đoạt gần 30% cổ phần SCB do 5 công ty nước ngoài đứng tên sở hữu.
Đồng thời, lời khai của bị cáo Tạ Chiêu Trung thể hiện bị cáo Lan giao bị cáo Trung theo dõi cổ phần của SCB thuộc sở hữu và liên quan đến bị cáo Lan từ thời điểm hợp nhất đến khi khởi tố vụ án, mọi biến động cổ phần SCB phải theo chỉ đạo của SCB. Tiền mua cổ phần bị cáo Trung lấy từ bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát. Vì vậy, luật sư cho rằng bị cáo Lan không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB, không phải chủ thể tội tham ô tài sản là không có căn cứ chấp nhận.
1.109 TÀI SẢN ĐƯỢC MUA TRÙNG THỜI ĐIỂM PHẠM TỘI
Ở phần thẩm vấn, tự bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan nói không chiếm đoạt tiền của SCB, mà đưa tài sản gồm các bất động sản, tiền từ nước ngoài chuyển về, người nhà, người thân cho bị cáo mượn sổ tiết kiệm để SCB tái cơ cấu; cơ quan tố tụng không chứng minh được bị cáo mua bất động sản nào nhưng lại quy kết trong cáo trạng sử dụng tiền chiếm đoạt của SCB để mua dự án, bất động sản SCB.
Đối đáp, VKS nói lời khai của bị cáo không có căn cứ. Bị cáo sử dụng SCB như một công cụ tài chính, coi SCB như nơi giữ tiền của mình, khi nào cần tiền là lấy ra sử dụng.
Điển hình, khi cần tiền mặt, bị cáo chỉ đạo các lãnh đạo SCB, nhân viên dưới quyền hợp thức hồ sơ, rút tiền mặt 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD chuyển về nhà riêng của bị cáo để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau; bị cáo Lan cho bị cáo Dương Tấn Trước 1.500 tỉ đồng để trả công việc bị cáo Trước xin cấp phép dự án nhưng lại chỉ đạo cấp dưới sử dụng nhóm Công ty Tường Việt đứng tên khoản vay để rút tiền của SCB chuyển cho bị cáo Trước.
Trong số 1.169 tài sản liên quan đến bị cáo Lan bị kê biên, chỉ có khoảng 60 tài sản được bị cáo mua trước năm 2012, còn lại khoảng 1.109/1.169 tài sản bị cáo mua sau năm 2012 (chiếm 94,8%). Thời điểm hình thành các tài sản trên trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Đối với ý kiến của các luật sư bào chữa cho bị cáo Lan trình bày, trước 1.1.2018, bị cáo Lan đưa tài sản vào để tái cơ cấu nợ cũ, là người có công với SCB. VKS nêu bị cáo Lan không hề thiệt hại gì khi đưa tài sản vào SCB vì khi đưa tài sản vào để tái cơ cấu theo 5 phương án của NH Nhà nước thì SCB đã cho bị cáo Lan lấy ra số tài sản với giá trị 55.000 tỉ đồng. Trong khi đó, số tiền SCB giải ngân thông qua phương án tái cơ cấu để trả cho các khoản nợ cũ là 57.000 tỉ đồng. Do đó các luật sư và bị cáo Lan cho rằng bị cáo cho SCB mượn tài sản và bị thiệt hại là không có căn cứ.
SỬ DỤNG TIỀN CHIẾM ĐOẠT NÊN PHẢI BỒI THƯỜNG
Về xác định hậu quả vụ án, SCB đề nghị HĐXX xác định thiệt hại của NH này tính đến ngày xét xử sơ thẩm (5.3.2024) là 761.802 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là gần 484.000 tỉ đồng, nợ lãi, phí tạm tính là hơn 277.800 tỉ đồng; bị cáo Lan và các đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Đối đáp, VKS phân tích hành vi phạm tội của bị cáo Lan xuyên suốt từ 1.1.2012 cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án (tháng 10.2022). Bản chất vụ án là bị cáo Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn nhằm chiếm đoạt, phục vụ cho mục đích cá nhân. Khác với các vụ án vi phạm quy định NH khác, trong vụ án này, việc đưa tài sản vào làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ là phương thức thủ đoạn phạm tội, bởi tài sản đảm bảo có thể được rút ra, hoán đổi bất cứ thời điểm nào theo chỉ đạo của bị cáo Lan; nhiều tài sản không được đăng ký giao dịch đảm bảo, không có pháp lý….
Do đó, đối với tội "tham ô tài sản", số tiền bị cáo Lan chiếm đoạt là số tiền dư nợ gốc hơn 304.000 tỉ đồng. Đối với "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", ngoài thiệt hại là số tiền dư nợ gốc do bị cáo Lan chiếm đoạt từ hành vi tham ô, còn gây thiệt hại là số tiền lãi, phí phát sinh từ nợ gốc, tổng thiệt hại hơn 677.000 tỉ đồng.
VKS khẳng định bị cáo Lan sử dụng, chiếm đoạt và gây ra hậu quả thiệt hại trên nên về trách nhiệm dân sự, bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền hơn 677.000 tỉ đồng...
Ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Cao Trí
Mở đầu phiên tòa buổi chiều 1.4, VKS tiếp tục đối đáp lại quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella). Trước đó, ở phần luận tội, VKS đã áp dụng 4 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trí, đề nghị bị cáo này từ 10 - 11 năm tù, dưới khung hình phạt bị truy tố.
Đối đáp, đại diện VKS cho hay, tại tòa, bị cáo Trí đã thành khẩn khai nhận chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của bị cáo Lan. Bị cáo Trí đã tác động gia đình nộp khắc phục hơn 600 tỉ đồng, nên đã ghi nhận ý thức trách nhiệm bồi thường của bị cáo và gia đình. Ngoài ra, VKS nêu quá trình bào chữa, phát sinh các tình tiết giảm nhẹ mới như mẹ vợ, bố vợ của bị cáo là người có công nên đề nghị HĐXX xem xét theo hướng có lợi cho bị cáo.