Liên quan đến số tiền 5.000 tỉ đồng mà bị cáo Trương Mỹ Lan khai đưa vào SCB để tăng vốn điều lệ, bị cáo Lan nói: "Tháng 8.2022, trước khi bị cáo bị bắt, số tiền tăng vốn điều lệ này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, vì thế SCB không được giữ tiền nên đã gửi số tiền này qua ngân hàng khác. Mong SCB thông cảm chuyển tiền về cho HĐXX để tôi được khắc phục hậu quả".
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, trong giai đoạn tòa phúc thẩm thụ lý vụ án, gia đình đã nộp cho cơ quan thi hành án 500 tỉ đồng và ngày 7.11 nộp thêm 80 tỉ đồng để giúp bị cáo khắc phục hậu quả cho SCB.
Cũng theo bị cáo Lan, hôm 23.10, bị cáo đã có đơn gửi đơn gửi Cục THADS TP.HCM yêu cầu chủ động thi hành án để cơ quan này chủ động xử lý nhiều tài sản của bị cáo. Vì thế một tuần sau, Cục THADS có văn bản chuyển đơn đến TAND cấp cao tại TP.HCM ghi nhận tinh thần chủ động thi hành án của bị cáo.
Tòa sơ thẩm đã buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả hơn 2.880 tỉ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành nghĩa vụ cho bị cáo Lan. Hiện công ty này đã rút kháng cáo, nên bị cáo Lan đồng ý dùng số tiền này để khắc phục cho SCB. Ngoài ra, hai công ty CP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh mà trả cho bị cáo Lan hơn 6.000 tỉ đồng, bị cáo cũng đề nghị dùng số tiền này để bồi thường cho SCB.
Cũng theo luật sư của bị cáo Lan, hôm 21.10, UBND TP.HCM có quyết định ban hành bảng giá đất mới, việc này cho thấy giá trị đất của thân chủ ông đã tăng lên rất nhiều lần so với thời điểm xảy ra vụ án. Đối với tài sản đã định giá là 1.121 mã, bị cáo Lan mong muốn được cơ quan THADS tham gia giám sát vào việc xử lý tài sản này của ngân hàng. Còn lại 658 mã tài sản bị định giá bằng 0, bị cáo Lan cũng đề nghị được xem xét lại để đảm bảo cho việc bồi thường cho SCB.
Trong 1.121 mã tài sản, thì có bất động sản tại 24 Lê Lợi (Q.1) là của bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bị cáo Lan) nên bị cáo Lan đề nghị phải trả lại cho bị cáo Vân. Đối với bất động sản tại số 22 Lê Lợi (Q.1) cũng thuộc sở hữu của người khác nên đề nghị tòa giải tỏa kê biên trả lại cho họ.
Riêng 658 mã tài sản đang do SCB giữ tái cơ cấu, trong đó có dự án 6A, bị cáo Lan đề nghị SCB trả lại cho bị cáo để cho nhà đầu tư vào tham gia, dưới sự giám sát của cơ quan thi hành án.
Trong số 440 mã tài sản không được Công ty Hoàng Quân định giá, gồm dự án 194b Nam Kỳ Khởi nghĩa, 262 Hai Bà Trưng… theo bị cáo Lan đây là những tài sản có giá trị rất lớn, mong tòa xem xét lại để khắc phục hậu quả. Bị cáo Lan chỉ xin lại trụ sở của Vạn Thịnh Phát để hoạt động chứ không bán đấu giá tài sản.
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 4 của TAND TP.HCM, tòa phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17.10.2022, tương đương hơn 673.800 tỉ đồng.
Tòa giao cho SCB tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp cho ngân hàng này để đảm bảo cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng còn nghĩa vụ nợ. Tòa đề nghị SCB nếu xử lý tài sản theo hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ, sau khi xử lý xong thì phần giá trị tài sản còn lại (nếu có) cần phối hợp với cơ quan điều tra để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của bị cáo Trương Mỹ Lan. Mục đích là để dùng toàn bộ phần tài sản còn lại để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Lan.