Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết kết quả điều tra tạm thời cho thấy sản xuất ô tô ở Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng, gây ra mối đe dọa thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất xe điện chạy pin của EU.
Theo kế hoạch, EU sẽ áp dụng 5 mức thuế. Các nhà sản xuất xe điện hợp tác với các nhà điều tra EU sẽ phải đối mặt với mức thuế 21%, trong khi những nhà sản xuất không hợp tác sẽ phải chịu mức thuế cao nhất là 38,1%.
Phản ứng về thông tin trên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm gọi các cuộc điều tra trợ cấp của EU là "chủ nghĩa bảo hộ thương mại", đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Ông Kiếm nhấn mạnh việc áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc là đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và các quy tắc thương mại quốc tế, đồng thời cho biết thêm rằng nó gây tổn hại cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - châu Âu, cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu xe điện, cũng như thuế nhập khẩu 25% đối với pin lithium-ion EV và các bộ phận pin của Trung Quốc. Bà Alicia Garcia-Herrero tại tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ) nhận định mức thuế dự kiến của EU là khá thấp so với các động thái của Mỹ. "Rất khó để nói liệu động thái mới có bảo vệ được châu Âu hay không vì EU khó có thể mở rộng thuế quan đối với pin và linh kiện vì chuỗi giá trị của khối này vẫn còn non trẻ", theo bà Herrero.
Theo các nguồn thạo tin, vấn đề bán phá giá xe điện cũng gây lo ngại ở các nước ngoài EU, đồng thời nhiều quốc gia đang nỗ lực để đảm bảo rằng Trung Quốc không thống trị toàn cầu về ô tô điện và các sản phẩm công nghệ xanh khác. Chủ đề này dự kiến sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý vào ngày 13.6 sắp tới. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU kỳ vọng thuyết phục các nước G7 khác có biện pháp hạn chế tình trạng dư thừa ô tô, thép, tấm pin mặt trời và các mặt hàng khác.