Khó xác định đỉnh
Cụ thể hơn, theo CNBC, vàng thỏi đã tăng giá hơn 5,7% trong một tuần. Tốc độ tăng này gần như chỉ đứng sau đợt tăng hồi tháng 3.2023 khi làn sóng khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ làm chao đảo thị trường toàn cầu, khiến giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng.
Lần này, vàng tăng giá xuất phát từ những bất ổn gia tăng. CNBC dẫn lời ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành Allegiance Gold - một công ty tư vấn tài chính tại Mỹ, lý giải: "Sự leo thang trong cuộc xung đột Ukraine dường như đang mở rộng. Khi rủi ro chiến tranh tăng lên thì càng tăng sức hấp dẫn trú ẩn an toàn ngắn hạn". Đó được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến giá vàng tăng lên gần đây.
Không những vậy, việc giá vàng sẽ còn tăng cao trở thành điều mà hầu hết giới quan sát, đầu tư và phân tích đều đồng thuận. Mới đây, Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá vàng sẽ còn tăng lên trong thời gian tới và có thể thiết lập mức kỷ lục mới ở mức trên 3.000 USD/ounce vào năm 2025. Không những vậy, giới phân tích còn đặt vấn đề 3.000 USD/ounce có thể chưa phải là mức kỷ lục của giá vàng trong năm tới. Điển hình, Bloomberg dẫn một số phân tích cho rằng giá vàng có thể lên mức 3.150 USD/ounce trong tương lai không xa.
Về nguyên tắc cung cầu của thị trường, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng có thể tăng cao là do nhu cầu cao hơn từ các ngân hàng trung ương. Kèm theo đó là sự gia tăng theo chu kỳ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Bất ổn làm nóng giá vàng
Trước mắt, nhiều khả năng Fed chưa tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 12 này, nên đà tăng của giá vàng có thể tạm lắng. "Việc Fed tạm dừng cắt giảm lãi suất vào tháng 12 có thể ngăn đà tăng của giá vàng, nhưng chu kỳ tiền tệ nới lỏng, bất ổn kinh tế vĩ mô và địa chính trị và nhu cầu vật chất lành mạnh sẽ duy trì tâm lý thị trường vàng tích cực", theo phân tích mới của Ngân hàng ANZ.
Bất ổn kinh tế và chính trị có thể xem là tác động chính yếu khiến giá vàng có thể tăng cao. Đầu tiên là việc ông Donald Trump sắp quay trở lại làm chủ nhân Nhà Trắng với dự báo sẽ gia tăng thương chiến Mỹ - Trung. Ông Trump đã không ngần ngại khẳng định tăng thuế lên mức 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những vậy, nhiều quốc gia khác đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ cũng có thể nằm trong đối tượng tăng thuế của Washington trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump. Vì thế, Reuters dẫn ý kiến đại diện các công ty tư vấn tài chính dự báo mức thuế được đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ dẫn đến nhiều biến động trên thị trường toàn cầu.
Căng thẳng với Mỹ cũng khiến Trung Quốc cần gia tăng duy trì dự trữ, nhưng muốn hạn chế lệ thuộc vào USD nên vàng trở thành một chọn lựa của Bắc Kinh. Không chỉ riêng Trung Quốc mà Ấn Độ cũng như nhiều thành viên khác của khối BRICS đang hướng đến việc tăng cường giao thương bằng tiền tệ của nhau. Điều đó dẫn đến việc USD ngày càng rời xa rổ tài sản dự trữ của các nước thành viên trong khối. Thực tế, các thành viên của BRICS, nổi bật là Trung Quốc và Ấn Độ, những năm qua luôn duy trì việc mua vàng ở mức cao.
Chẳng những vậy, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với một số quốc gia khiến việc dự trữ USD cũng khiến một số ngân hàng trung ương e dè, nên vàng càng được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, tuy ông Trump tuyên bố sẽ mang lại hòa bình cho Dải Gaza cũng như hạ nhiệt xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Li Băng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tình hình chung của khu vực Trung Đông sẽ giảm bớt căng thẳng. Việc chọn lựa nhân sự của ông Trump ở một số vị trí quan trọng báo hiệu khả năng Mỹ sẽ gia tăng trừng phạt Iran, nhiều khả năng sẽ hạn chế Tehran xuất khẩu dầu mỏ. Điều này đồng nghĩa với rủi ro thị trường năng lượng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đây cũng là yếu tố quan trọng có thể dẫn đến việc giá vàng tăng.