Cảng Vadhavan dự kiến hoàn thành vào năm 2036, sẽ được xếp vào 10 cảng hàng đầu thế giới, tạo ra 1,2 triệu việc làm và giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa đường dài. Mục tiêu của dự án là xây dựng một hành lang hậu cần liền mạch nối Ấn Độ với Nam Âu thông qua các cảng, đường sắt và đường bộ ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út, Jordan và Israel.
Ấn Độ từ lâu nỗ lực phát triển các hành lang thương mại mới tới châu Âu nhằm tránh sự phụ thuộc vào mạng lưới cảng do Trung Quốc điều phối trên khắp Nam Á và Trung Đông.
Bà Sreeradha Dutta, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Jindal (Ấn Độ), nhận định: "Khi bắt đầu xây IMEC, siêu cảng mới ở Vadhavan có thể trở thành cửa ngõ thương mại của Ấn Độ với châu Âu và khu vực vùng Vịnh. Tôi rất lạc quan về điều này vì thành tích của Ấn Độ trong việc thực hiện các dự án như vậy đang được cải thiện".
Ấn Độ có thỏa thuận thương mại tự do với UAE và đang đàm phán một thỏa thuận khác với EU. Quốc gia Nam Á này đặt mục tiêu đưa xuất khẩu hàng năm lên mức 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Dự án IMEC được mô tả sẽ tích hợp chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất chung, cáp dữ liệu dưới biển và đường ống hydro như một giải pháp thay thế nhiên liệu bền vững, phù hợp với kế hoạch đa dạng hóa kinh tế của các quốc gia vùng Vịnh.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết dự án IMEC phù hợp với nỗ lực của Ấn Độ nhằm thu hút các công ty toàn cầu như Apple và Tesla (Mỹ) tìm kiếm các giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc. Việc Ấn Độ hiện thiếu các cảng nước sâu khiến dự án Vadhavan trở thành sự bổ sung chiến lược cho các mục tiêu thúc đẩy đầu tư này.
Tuy nhiên, việc triển khai IMEC vấp phải một số rào cản địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng, khiến việc triệu tập hội nghị từ tất cả các bên gần như không thể thực hiện được. Các nhà phân tích ước tính sẽ mất từ một đến hai năm trước khi tất cả các đối tác sẵn sàng thảo luận về dự án.
Ông Manoj Joshi tại tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation (Ấn Độ) đánh giá thử thách thực sự sẽ là liệu những quốc gia chủ chốt như UAE và Ả Rập Xê Út có phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt dọc theo tuyến hành lang mà Ấn Độ đề xuất hay không.