EU bị ảnh hưởng gì nếu cấm LNG của Nga?

07:52 - 18/06/2024

Việc Liên minh châu Âu (EU) xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đang đặt ra câu hỏi về các tác động ngược với EU.

Kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine vào ngày 24.2.2022 đến nay, EU đã áp đặt 13 gói trừng phạt đối với Nga, chủ yếu nhằm vào xuất khẩu dầu khí nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow để phục vụ cho chiến sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, EU đang xem xét các lựa chọn cho gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, bao gồm các lệnh cấm đối với LNG. Ủy ban châu Âu (EC) hy vọng, gói trừng phạt mới có thể được thông qua vào tháng 7, trước khi Hungary đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên.

 

 

 

Quá trình soạn thảo gói trừng phạt có thể mất vài tuần và nếu được thông qua sẽ đánh dấu việc lần đầu tiên sau hơn 2 năm từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU nhắm vào lĩnh vực khí đốt của xứ sở bạch dương.

EU bị ảnh hưởng gì nếu cấm LNG của Nga?

Tàu chở LNG của Nga được chuyển vào cảng Bilbao (Tây Ban Nha) năm 2022

REUTERS

Gói trừng phạt thứ 14 có gì?

Gói trừng phạt thứ 14 của EU có thể bao gồm một số lĩnh vực chủ chốt như cấm LNG của Nga, trong đó có đề cập đến các vấn đề liên quan việc chuyển LNG từ tàu sang tàu. Nếu gói trừng phạt này được thông qua, các cảng tại EU có thể bị cấm tái xuất LNG của Nga sang các nước thứ 3 ngoài liên minh. Tuy nhiên, các nước thành viên EU vẫn có thể nhập khẩu loại nhiên liệu này.

Các tàu của Nga cũng sẽ bị cấm sử dụng các cảng châu Âu để vận chuyển nhiên liệu sang châu Á; đồng thời các công ty châu Âu cũng sẽ bị cấm đầu tư vào các kho cảng LNG của Nga. Đây được đánh giá là khía cạnh quan trọng nhất của gói cấm vận vì hiện Nga đang tìm cách phát triển nguồn tài nguyên khổng lồ ở Bắc Cực và cần đầu tư nước ngoài cũng như bí quyết để thực hiện.

Thứ hai, heli cũng có thể bị nhắm tới. Đây là loại khí được sử dụng trong sản xuất quân sự, hàng không vũ trụ và chất bán dẫn. Nhìn bề ngoài, có vẻ biện pháp này mang tính biểu tượng nhiều hơn vì lượng heli từ Nga chỉ chiếm 1% trong tổng nhập khẩu heli của EU. Tuy nhiên, thực tế đây là lại một biện pháp được EU tính toán. Hiện Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đang xây dựng các nhà máy khí heli mới ở Siberia nhằm hỗ trợ kế hoạch trở thành nhà sản xuất khí heli lớn thứ 3 thế giới của Nga vào năm 2025. Do đó, nếu khí heli bị áp đặt lệnh cấm, đây sẽ là một "chiến lược dài hơi" của EU, là bước đi phủ đầu nhằm ngăn chặn bất kỳ sự phụ thuộc nào trong tương lai vào các chuyến hàng của Nga.

Thứ ba, EU có thể áp đặt các biện pháp tiềm năng khác nhằm kiềm chế các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga. EU lo ngại Nga có thể tài trợ cho một số đảng chính trị EU nhằm can thiệp trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Bên cạnh đó, trong gói trừng phạt thứ 14 này, EU cũng có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cơ quan truyền thông của Nga.

EU bị ảnh hưởng gì nếu cấm LNG của Nga?

Nhà máy xử lý khí đốt của Gazprom tại vùng Orenburg (Nga) hồi tháng 9.2023

REUTERS

Nội bộ EU bất đồng

Các thành viên EU hiện vẫn chưa có sự đồng thuận chung về các biện pháp trừng phạt. Thời gian qua, Hungary luôn có quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã từng chỉ trích và cho rằng các lệnh cấm kém hiệu quả, gây tổn hại cho chính EU hơn là Nga. Đối với gói trừng phạt thứ 14 mà EC đề xuất, trong cuộc thảo luận ngoại giao ban đầu giữa các đại sứ EU vào ngày 8.5, đại diện Hungary cho biết Budapest sẽ "ngăn chặn mọi hình thức trừng phạt có thể làm tăng chi phí năng lượng ở châu Âu". Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ - những nước thành viên EU nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga và sau đó tái xuất phần lớn sang các nước khác như Đức, Ý - đã đề nghị phải có thêm thông tin kỹ thuật liên quan.

Trên thực tế, EU đã áp dụng các biện pháp các tác động mạnh nhất như lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga bằng đường biển hay hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao sang Nga. Do đó, việc thiếu đồng thuận trong nội khối EU về việc áp đặt gói trừng phạt thứ 14 có thể khiến EU ưu tiên sự thống nhất của khối hơn là tác động mạnh mẽ của các biện pháp trừng phạt. Lệnh cấm tái xuất khẩu các chuyến hàng LNG của Nga qua châu Âu là lựa chọn duy nhất mà tất cả các quốc gia thành viên EU có thể đồng ý và nó sẽ khiến doanh thu của Moscow giảm khoảng 2 tỉ euro/năm.

Mặt khác, một số cơ quan thuộc EU cũng tỏ ra lo lắng về việc "cai" khí đốt của Nga và cho rằng cần phải xem xét đầy đủ tác động và cần có lộ trình. Hồi tháng 4, Cơ quan Hợp tác Điều tiết Năng lượng của EU (ACER) đã cho biết trong báo cáo "Diễn biến thị trường LNG châu Âu" rằng, EU đặt mục tiêu "chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 nên việc giảm nhập khẩu LNG của Moscow nên được xem xét theo từng bước, bắt đầu từ việc nhập khẩu LNG giao ngay" nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.

Cơ quan quản lý thông tin EU cho rằng mặc dù các biện pháp trừng phạt có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhưng điều quan trọng là cần phải lưu ý đến "khối lượng đáng kể đã được ký hợp đồng theo đồng theo các thỏa thuận LNG dài hạn trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine". Do đó, việc cắt giảm nhập khẩu LNG của Moscow cần phải có lộ trình và thận trọng để tránh gây tác động ngược.

Các chuyên gia đánh giá việc nội bộ EU có những sự bất đồng nhất định trong các hạn chế đối với năng lượng của Nga khiến triển vọng về việc thông qua lệnh cấm nhập khẩu LNG của Moscow trong gói trừng phạt thứ 14 là rất khó khăn.

EU bị ảnh hưởng gì nếu cấm LNG của Nga?

Tàu chở LNG của Nga tại cảng ở Barcelona (Tây Ban Nha) hồi năm 2022

REUTERS

Phản ứng của Nga

Cuối tháng 5, ông Artem Studennikov, Vụ trưởng Vụ châu Âu thứ nhất thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố EU làm điều này là "tự bắn vào chân mình" và "Nga sẽ không thiếu khách hàng vì thị trường LNG mang tính chất toàn cầu, nhu cầu tăng trưởng đều đặn". Vị quan chức nhấn mạnh "bất cứ nỗ lực nào của phương Tây cũng sẽ thất bại".

Hồi tháng 4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phát biểu rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với LNG của Nga thể hiện sự cạnh tranh bất hợp pháp, không công bằng và Moscow sẽ tìm cách vượt qua những trở ngại đó. Ông Peskov nhấn mạnh,việc đẩy Nga ra khỏi thị trường năng lượng sẽ giúp mang lại lợi nhuận cho Mỹ và một số quốc gia khác, đồng thời chính các ngành công nghiệp và người tiêu dùng tại châu Âu sẽ phải chịu tổn hại từ lệnh cấm này.

Cũng vào cuối tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy nhất, bất chấp áp lực trừng phạt của các nước phương Tây và các vụ nổ tại hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream và Nord Stream 2.

EU bị ảnh hưởng gì nếu cấm LNG của Nga?

Khí gas từ đường ống Nord Stream 2 nổi lên gần Bornholm (Đan Mạch) hồi tháng 9.2022

REUTERS

Tác động tiềm tàng

Về mặt lý thuyết, việc cấm nhập khẩu hoàn toàn LNG của Nga sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với quyết tâm của EU trong việc hạn chế nguồn thu của Nga để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế tác động tài chính đối với Moscow có phần hạn chế. Năm 2023, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu chỉ ở mức 8 tỉ euro (8,8 tỉ USD), tương đương với 20 tỉ m3 LNG và nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu từ hydrocarbon của Nga.

Nhà phân tích Igor Yushkov tại Quỹ An ninh Năng lượng quốc gia, Đại học Tài chính của Nga đánh giá việc áp đặt các hạn chế đối với LNG của Nga khó có thể tác động đáng kể đến ngân sách nước này vì họ có thể chọn cắt giảm hoạt động kinh doanh LNG ở châu Âu và tập trung vào thị trường châu Á bằng cách đi theo tuyến đường phía bắc xuyên qua Bắc Cực. Mặc dù điều này làm tăng chi phí nhưng lại ít làm Moscow "đau đầu". Hơn nữa, hiện nay những nước nhận LNG chính của Nga từ dự án Yamal LNG là Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha, song các dự án như Yamal LNG được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế đáng kể, bao gồm thuế khai thác khoáng sản với tỷ lệ 0% và không áp thuế xuất khẩu đối với LNG (tối đa 12 năm hoặc cho đến khi đạt được một khối lượng sản xuất nhất định).

Bên cạnh đó, ông Yushkov còn cho rằng Pháp có thể sẽ tích cực ngăn chặn các lệnh trừng phạt đối với LNG của Nga, do hiệu quả thấp và có thể gây tổn hại cho các công ty Pháp như TotalEnergies. Ông nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt có thể không hiệu quả trong nỗ lực thay đổi chính sách đối ngoại của Nga và sẽ không làm giảm nguồn thu ngân sách, đồng thời có thể kích thích việc định hướng lại dòng chảy thương mại LNG sang các khu vực khác như Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thể trở thành trung tâm tái xuất khẩu khí đốt mới sang châu Âu.

Đối với EU, LNG của Nga chiếm khoảng 16% tổng lượng nhập khẩu của EU. Lượng nhập khẩu LNG Nga của EU năm 2023 đã tăng khoảng 38% so với năm 2021. Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ hai cho châu Âu, chỉ sau Mỹ. Do đó, nếu lệnh cấm đối với lĩnh vực LNG của Nga được thông qua trong gói trừng phạt thứ 14 của EU, thị trường năng lượng sẽ biến động, giá nhiên liệu sẽ tăng cao và tác động tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu. Nỗi lo về giá năng lượng tăng vọt như năm 2022 luôn là nỗi ám ảnh.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Ông chủ trường đua - SCTV9

 

Hắc sắc nguyệt quang - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Xứng danh tài nữ 4 - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...