Trong 4 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã bắt giữ và xử lý gần 4.900 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 156,7 tỷ đồng.
Bắt giữ và xử lý hàng hóa vi phạm trị giá hơn 7.000 tỷ đồng
Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng Hải quan bắt giữ và xử lý. Đáng chú ý, nhiều đường dây "núp bóng" doanh nghiệp, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu dầu với quy mô lớn, tính chất phức tạp.
Cụ thể, riêng trong tháng 4/2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.403 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.299,165 tỷ đồng. Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 15 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 40,387 tỷ đồng.
Luỹ kế 04 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 4.886 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 7.115,5 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 04 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 45 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 156,7 tỷ đồng.
Tại khu vực cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), từ đầu năm đến nay xuất hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: thực phẩm đông lạnh, gia cầm, sản phẩm gia cầm và gia cầm giống… ngày càng có chiều hướng gia tăng phức tạp.
Ma tuý nhức nhối trên tuyến đường hàng không và đường biển
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trên tuyến đường hàng không và tuyến đường biển.
Trong đó, nhiều băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới.
Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Trong tháng 4/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên Phòng, Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ 22 vụ/42 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 07 vụ. Tang vật thu được gồm: 160gram thuốc phiện; 54kg cần sa; 9,12kg heroin; 102 kg ketamin; 20,14 kg ma tuý tổng hợp và 180kg ma tuý khác.
Theo đó, luỹ kế 04 tháng năm 2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 114 vụ/129 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 44 vụ. Tang vật thu được bao gồm: 160gram thuốc phiện; 71,5kg cần sa; 30,5kg heroin; 145,2kg ketamin và 900 viên ketamin; 208,7kg và 03 viên ma tuý tổng hợp; 180 kg và 220 viên ma tuý khác ma tuý khác.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan.
Đồng thời, tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống ma túy qua tuyến hàng không giữa hai lực lượng hải quan và công an; xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 5 và kế hoạch triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 6.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...