Dồn dập thách thức
Theo công bố trên, mức thuế dành cho EV Trung Quốc vào Mỹ sẽ tăng từ 25% lên thành 100%. Đây là một đòn nặng nhằm vào ngành EV Trung Quốc vốn đang tìm cách mở rộng sang thị trường xứ cờ hoa.
Trong khi đó, tờ The Walls Street Journal dẫn lời một chuyên gia ngành EV Trung Quốc cho biết trong năm 2023, có đến 123 hãng EV của nước này đã bán xe ra thị trường. Dự kiến, năng lực sản xuất xe năng lượng mới (phần lớn là EV) của nước này vào năm 2025 dự kiến đạt hơn 36 triệu xe, nhưng doanh số tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ 17 triệu xe. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rằng sản lượng của các hãng EV nước ngoài trong năm ngoái ước tính đạt khoảng 50% so với công suất sản xuất. Con số này thấp hơn nhiều so với điểm hòa vốn trung bình của ngành ô tô thế giới là phải đạt hiệu suất sản lượng là 80%.
Chính vì thế, các nhà sản xuất Trung Quốc cần nhanh chóng mở rộng thị trường xuất khẩu. Thế nhưng, không chỉ gặp khó vì bị áp thuế cao ở Mỹ, EV của Trung Quốc cũng đang đối mặt nhiều thách thức ở châu Âu.
Tờ South China Morning Post đưa tin giới chức trách Liên minh Châu Âu (EU) đang hoàn thiện một cuộc điều tra "bom tấn" về vấn đề chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các hãng EV của nước này. Dự kiến, kết quả cuộc điều tra sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc có áp thuế tạm thời đối với EV sản xuất tại Trung Quốc. Và Brussels được cho đã thu thập nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc trợ cấp ngành EV, và điều này làm méo mó thị trường châu Âu.
Đông Nam Á trong tầm ngắm
Giữa tình hình như vậy, các hãng EV của Trung Quốc đang nỗ lực tìm hướng để thay thế các thị trường Mỹ và châu Âu.
Tờ Nikkei Asia ngày 16.5 dẫn một số nguồn tin cho biết các nhà sản xuất EV Trung Quốc bao gồm BYD đang gấp rút vận chuyển xe đến Mexico và Brazil để chuẩn bị cho việc tăng thuế và các hạn chế thương mại khác. Nỗ lực này đã bắt đầu từ tháng 3 khi nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và EU sẽ có động thái trừng phạt nhằm vào EV của Trung Quốc.
Một điểm đến quan trọng khác là thị trường Đông Nam Á. Theo Đài CNA, BYD là thương hiệu EV bán chạy nhất tại Singapore và đã trở thành thương hiệu Trung Quốc đầu tiên lọt vào top 10 thương hiệu xe hơi bán chạy nhất đảo quốc sư tử năm 2023. Tương tự, tại Thái Lan, các hãng Trung Quốc chiếm 80% doanh số EV bán ra vào năm 2023, trong đó BYD lại là hãng bán chạy nhất với 40% thị phần.
Ở Indonesia, doanh số bán hàng của Wuling Air EV, dòng xe của Hãng SAIC Motor (Trung Quốc), đã tăng trưởng 65,2% vào năm 2023, trở thành dòng EV bán chạy thứ 2 tại nước này. Tính đến năm 2023, đã có 6 thương hiệu EV Trung Quốc được bán ra tại Indonesia. Còn tại Việt Nam, nhiều thông tin cho thấy các thương hiệu xe hơi Trung Quốc như Haima, BYD và MG đang muốn đưa các mẫu EV vào.
Song hành mở rộng thị trường, các công ty Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN. Tại Singapore, Nio đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển xe tự lái và trí tuệ nhân tạo. Geely thì cam kết giúp Malaysia tiếp thêm năng lượng cho thị trường EV với khoản đầu tư 10 tỉ USD, và phát triển tổ hợp ở Perak có tên là Thung lũng công nghệ cao cho ô tô.
Tại Thái Lan, Great Wall Motor (GWM, Trung Quốc) đã đầu tư hai dây chuyền sản xuất và BYD cũng thông báo sẽ sản xuất EV. SAIC Motor đã cam kết phát triển một khu công nghiệp năng lượng mới, giúp nâng cao vị thế của Thái Lan trong chuỗi cung ứng EV.
Thiếu hụt logistics
Việc xuất khẩu EV sang Mexico và Brazil của các hãng Trung Quốc đang gặp khó về dịch vụ vận chuyển. Tờ Nikkei Asia dẫn nguồn từ một công ty môi giới vận chuyển hàng hóa ở Trung Quốc cho hay các hãng xe Trung Quốc đang phải "cạnh tranh với nhau để cố gắng giành được "chỗ" trên các chuyến tàu". Điều đó khiến chi phí vận chuyển tổng thể cho các tuyến từ Trung Quốc đến Brazil, Mexico gần đây đã tăng vọt. Mức tăng trung bình lên đến 55,8% tính từ tháng 1 - 4 vừa qua.
Ngoài ra, EV của Trung Quốc đối mặt thách thức mới tại Brazil là chính quyền sở tại không còn miễn thuế cho xe điện, mà đã áp thuế 10% từ tháng 1 và dự kiến tăng lên mức 18% vào tháng 7 tới, rồi mức 35% vào tháng 7.2026.