Những giải pháp căn cơ được tỉnh Thanh Hóa xác định là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí vươn lên thoát nghèo.
Xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tỉnh Thanh Hóa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Mục đích của giảm nghèo nhanh và bền vững là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, người nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, điều kiện sống, thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội khác. Thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp của xã hội.
Xác định vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, một chương trình trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền tại cơ sở, cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo. Thông tin về việc thực hiện các chương trình, mục tiêu giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thông tin, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh vì mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tại huyện Nga Sơn, đi đôi với tăng thời lượng, nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, huyện Nga Sơn tuyên truyền các chủ trương, chính sách giảm nghèo qua các hội nghị, hội thảo, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, phân công đảng viên phụ trách hộ truyền thông trực tiếp tới người nghèo. Huyện Nga Sơn còn triển khai thực hiện 10 dự án chăn nuôi bò sinh sản thuộc dự án 2 đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo và tiểu dự án 1, dự án 3 phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 58 hộ nghèo, 221 hộ cận nghèo, 24 hộ thoát nghèo tham gia.
Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Quảng Xương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 100 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở có tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng.
Lan tỏa được ý chí, nghị lực thoát nghèo
Tại 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo theo nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Theo đó, bên cạnh triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó xác định, công tác tuyên truyền phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, như: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Các chính sách hỗ trợ người dân thiếu vốn, thiếu đất sản xuất; đề án phát triển giáo dục; biểu dương các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, gương điển hình thoát nghèo để nhân rộng trong cộng đồng dân cư...
Tại huyện Bá Thước, một trong sáu huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, chương trình giảm nghèo hiệu quả đang được triển khai, với mục tiêu không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn duy trì sự bền vững.
Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã có sự thay đổi căn bản so với các giai đoạn trước. Thay vì hỗ trợ đơn thuần, cơ chế hỗ trợ hiện tại yêu cầu người dân phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Điều này không chỉ tập trung vào việc giảm nghèo về thu nhập mà còn nhằm đảm bảo rằng các hộ gia đình đã thoát nghèo sẽ không rơi vào tình trạng tái nghèo. Thành công đó chính là công tác tuyên truyền có chiều sâu để người dân sau khi thoát nghèo có kiến thức, thông tin sẽ không bị rơi vào tình trạng tái nghèo, mà là thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, Huyện Như Xuân tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, ưu tiên cho công tác xuất khẩu lao động. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tại nhiều xã ở 6 huyện đặc biệt khó khăn của Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn trên 40%. Nhiều mô hình mới đang được áp dụng để thay đổi thói quen canh tác truyền thống như trồng mía, keo, luồng, sắn, với mục tiêu nâng cao thu nhập và giá trị sản phẩm. Sự thay đổi tư duy và chủ động từ chính người nghèo là yếu tố then chốt trong việc cải thiện cuộc sống.
Trong năm 2024, Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực cùng các địa phương tổ chức Hội thi truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ cấp cơ sở. Qua đó, tuyển chọn các đội tham dự hội thi cấp tỉnh có chủ đề “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó giúp người nghèo, hộ nghèo nâng cao nhận thức, có thêm việc làm, thu nhập, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước và cộng đồng.
Trao đổi của Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, ngày 26/8 vừa qua tại hội thi truyền thông giảm nghèo tại Thanh Hóa cho biết, thông qua việc tổ chức Hội thi truyền thông giảm nghèo theo hình thức sân khấu hóa đánh giá rất cao quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa. Hội thi sẽ tạo sự lan tỏa, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
Với phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú tỉnh Thanh Hóa đã lan tỏa được những nội dung có tính chất hỗ trợ trực tiếp, thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, truyền thông tới tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tác động, làm thay đổi, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, góp phần nâng cao nhận thức, tri thức cho người dân chủ động hành động, tự giác vươn lên thoát nghèo.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...