Theo các chuyên gia, với tốc độ phát triển như hiện nay, Bắc Ninh cần giải bài toán về nhà ở xã hội để ước mơ sở hữu căn nhà không còn xa với người lao động.
Thống kê đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai được 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 173ha. Trong đó, 29 dự án đã hoàn thành, hoàn thành một phần, đang thi công xây dựng, 25 dự án đang thực hiện ở bước chuẩn bị đầu tư xây dựng. Các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người.
Trước đây, trong quá trình triểu khai tỉnh Bắc Ninh còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ngày 30/7/2023, tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm về làm việc. Sau khi nghe UBND tỉnh Bắc Ninh báo cáo công tác phát triển nhà ở xã hội và đi thăm một số dự án trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ đã Chỉ tạo Tổ Công tác 1435 của Chính phủ về làm việc trực tiếp với tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Sau buổi làm việc Tổ Công tác ban hành Thông báo số 20/TB-BXD ngày 31/01/2024 với nhiều chỉ đạo và cơ chế chính sách được gỡ vướng.
Theo Sở Xây dựng Bắc Ninh, về việc triển khai gói hỗ trợ gói 120 nghìn tỉ, đến nay UBND tỉnh đã công bố danh mục các dự án đủ điều kiện, tiêu chí vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin của tỉnh, đồng thời báo cáo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 06 dự án với tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng với số vốn dự kiến vay khoảng 3.380 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Xây dựng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục để được hỗ trợ vay vốn theo quy định. Ngay sau khi các dự án đáp ứng đủ điểu kiện tiếp cận gói vay 120 nghìn tỷ, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án đáp ứng điều kiện vay vốn theo gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ theo quy định.
Giải bài toán mua nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội, câu chuyện không mới và vẫn mãi luẩn quẩn không chỉ với công nhân xa quê mà còn với không ít công chức làm công ăn lương. Nhưng đó vẫn là khát khao về một chốn "an cư lạc nghiệp". Làm sao để khát khao ấy không mãi chỉ là ước mơ xa tầm với của bao người.
Nhiều công nhân chia sẻ, với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng thì rất khó có thể mua được nhà ở xã hội. Cùng với đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ mua nhà của Nhà nước rất khó khăn, mức lãi suất vay ưu đãi lên tới hơn 8% là không kham nổi. Đây thực sự là bài toán khó với nhiều công nhân, người lao động khi mưu sinh nơi “đất khách, quê người”.
Nhiều người mong muốn, giá bán nhà ở xã hội giảm hơn nữa, được vay vốn và thời gian vay dài hơn, lãi suất vay thấp hơn và thủ tục vay vốn đơn giản hơn để ước mơ sở hữu một căn nhà ở xã hội của họ trở thành sự thật.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, công nhân là đối tượng cần quan tâm, cần tạo điều kiện để họ có nhà ở, tuy nhiên, rất khó để xây dựng được một căn hộ dưới 1 tỷ đồng. Phần lớn đều có giá theo định mức của ngành xây dựng, phải hơn 1 tỷ thì mới xây được 1 căn nhà tối thiểu 45-50 m2. Với mức thu nhập 7,8tr/tháng của công nhân thì mua nhà ở xã hội là bài toán cực kỳ khó.
“Kể cả ngân hàng chính sách cho vay với lãi suất 5-7% để trả lãi hàng tháng thì mua nhà vẫn là khó. Nếu chỉ vay 600-700 triệu đồng thì lãi suất hàng tháng cũng vượt cả lương. Trong khi họ còn phải chi tiêu trang trải cuộc sống, lo cho con cái, gia đình. Do đó, để mua được nhà ở xã hội là không dễ dàng”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, cần thực hiện thật tốt, thật nghiêm túc Đề án 338 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó đã nêu khá rõ về các biện pháp, giải pháp, cơ chế chính sách của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có liên quan.
Câu chuyện về quy hoạch, quỹ đất rất quan trọng, cùng với đó là tạo nguồn vốn bền vững, nên có quỹ phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo nguồn vốn bền vững, huy động nguồn lực, huy động vốn từ nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau… Cùng với đó, cần cắt giảm thủ tục hành chính, từ đầu tư, triển khai dự án và các thủ tục, quy trình đối với lựa chọn đối tượng để cho mua, thuê nhà ở xã hội rõ ràng, đơn giản hóa, sát với thực tiễn hơn.
“Các địa phương cần phối hợp để xây dựng hệ sinh thái nhà ở xã hội, tức nhà ở xã hội phải có đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội. Đặc biệt, cần có hệ thống giao thông thuận lợi thì mới đảm bảo tính hấp dẫn của nhà ở xã hội đối với người mua nhà hay thuê nhà; cần sự phối hợp giữa các bên liên quan bao gồm các bộ, ngành, chính quyền địa phương, Tổng liên đoàn lao động, Ban quản lý Khu công nghiệp… mới đảm bảo triển khai hiệu quả nhà ở xã hội” – theo TS Cấn Văn Lực.
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội
Ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, kết quả sau một năm được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được kết quả trong việc phát triển nhà ở xã hội như sau: Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển 30.600 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và 41.500 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030.
Ngay sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội; ngày 24/7/2024, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 124/QĐ-SXD thành lập Tổ công tác triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Kết quả, giai đoạn 1 của Đề án từ 2021 đến nay có 10 dự án đã hoàn thành đáp ứng khoảng 6000 căn hộ; 15 dự án đã được cấp phép xây dựng và đang thực hiện đầu tư xây dựng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 10.500 căn hộ; 23 dự án đang thực hiện công tác bồi thường, GPMB và chuẩn bị thực hiện đầu tư xây dựng đáp ứng khoảng 49.500 căn hộ vượt hơn 60% so với chỉ tiêu giai đoạn 1 của Đề án đề ra (6 dự án đã hoàn thành trước năm 2021 và đang hoạt động đáp ứng khoảng 11.000 căn hộ).
Ngoài ra qua công tác rà soát, quy hoạch toàn tỉnh đã bố trí trong các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 350 ha đất phát triển nhà ở xã hội, khi hoàn thành đáp ứng khoảng 120 nghìn căn hộ; trong đó 24 vị trí có đủ điều kiện chấp thuận chủ trương để lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2024, với tổng diện tích đất khoảng 67,66 ha, khi hoàn thành các dự án sẽ đáp ứng khoảng 2,6 triệu m2 sàn với hơn 32 nghìn căn hộ. Tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng cơ chế chính sách riêng của tỉnh nhằm thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp, ông Khải chia sẻ.
Thực hiện đồng bộ, giải pháp nhằm phát triển nhà ở xã hội
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, ngoài các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Trung ương ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành các cơ chế chính sách riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ về nguồn vốn và các thủ tục hành chính, đầu tư, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội cho thuê dành cho công nhân.
Để người dân được mua nhà ở xã hội với đúng giá phê duyệt, ngăn chặn tình trạng trục lợi, tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường tuyên truyền, công khai giá bán, giá cho thuê tại các dự án nhà ở xã hội.
Sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực, một số khó khăn, bất cập đang được Sở Xây dựng Bắc Ninh phối hợp với các sở ngành, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương tháo gỡ, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác và quản lý vận hành các công trình nhà ở xã hội đặc biệt là nhà ở dành cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa chương trình phát triển nhà ở xã hội; dành vốn cho vay ưu đãi hơn nữa đối với dự án phát triển nhà ở xã hội.
Về quy hoạch và đất đai, thu hút đầu tư, Sở Xây dựng Bắc Ninh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống quy hoạch các cấp, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời tăng cường hệ thống giao thông kết nối; rà soát, quy hoạch bổ sung quỹ nhà ở xã hội, đặc biệt quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân tại các khu vực, nơi có nhu cầu cao.
Có thể nói, nhà ở xã hội ước mơ không xa là một thông điệp mà cả Chính phủ tới cấp địa phương đang trăn trở. Vậy để công nhân, người lao động có được nơi an cư lạc nghiệp, cần sự vào cuộc chung tay, quết tâm về mọi mặt để công trường rộn tiếng vang và nơi công nhân làm việc trong nhà xưởng luôn làm hết công suất. Phải để người lao động yên tâm về mọi mặt đời sống. Giải pháp giải bài toán nhà ở xã hội thật khó. Nhưng cũng thật dễ nếu chúng ta coi đây là việc của mình.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...