Quảng Nam thu hút đầu tư có chọn lọc, “nói không” với các loại hình sản xuất phát thải lớn và những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Thông tin từ tỉnh Quảng Nam, quan điểm, định hướng về thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đã được triển khai từ rất sớm, là một trong những địa phương tích cực và tiên phong thực hiện các mục tiêu về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng ở mức trên 61%; tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng được yêu cầu đạt 100%; 100% các cụm công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 90%; cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã và đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp bảo vệ môi trường được tỉnh triển khai đồng bộ, trên diện rộng, bài bản. địa phương này đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Nam; ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; ban hành các Quyết định về: Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh đến năm 2025; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) giai đoạn 2020-2030, triển khai Dự án tín chỉ cac-bon rừng tỉnh,...
Tại số liệu thống kê, Quảng Nam có 07 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý khoảng 47.400 m3/ngày đêm; 06 khu công nghiệp được cấp phép xả nước thải sau xử lý vào môi trường và 06 khu công nghiệp đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc online kết nối truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường và có hồ sự cố nước thải. Hiện có 20 cụm công nghiệp đang hoạt động đáp ứng yêu cầu về môi trường đạt tỷ lệ 45,45%.
Đặc biệt, Quảng Nam là địa phương tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh, năm 2021, địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và nhiều chủ trương, chính sách về quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh làm kim chỉ nam để ngành du lịch Quảng Nam hướng đến mô hình phát triển xanh, bền vững. Nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch xanh được xây dựng, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định với sự đồng hành thử nghiệm của doanh nghiệp và cộng đồng, nhiều tour du lịch như “thu gom rác thải”, “tái chế rác thải”, “phục hồi tài nguyên”,… được doanh nghiệp triển khai như một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và khác biệt của tỉnh.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng xanh hóa, ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết hoạt động thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh được thực hiện theo định hướng có chọn lọc, “nói không” với các loại hình sản xuất phát thải lớn và những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, Quảng Nam, thực hiện nghiêm việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, toàn bộ dự án trước khi cấp phép hoạt động đều phải bảo đảm thủ tục pháp lý về môi trường theo đúng quy định.
“Đây được đánh giá là những động thái tích cực, quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh. Điều này được ghi nhận trong Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Quảng Nam nằm trong Top 20 tỉnh, thành phố có Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI cao nhất, với điểm tổng hợp đạt 22,84 điểm, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, trong đó có chỉ số thành phần “Đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường” của tỉnh Quảng Nam xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố và thứ 01/14 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung”, ông Bình thông tin.
“Xanh hóa” các ngành kinh tế
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, quan điểm then chốt của tỉnh Quảng Nam vẫn là phát triển đồng bộ giữa các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong đó chuyển đổi mô hình tăng trưởng, “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường. Đây là định hướng mang tính chiến lược để tỉnh hướng đến nền công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đề ra một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng “xanh hóa”, phát triển bền vững trong thời gian đến.
Theo ông Phan Thái Bình, đầu tiên, Quảng Nam sẽ tiếp tục tích hợp, lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh, phát triển bền vững vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị; chính sách hỗ trợ “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó là tăng cường những giải pháp có sự cam kết của các doanh nghiệp, nhà sản xuất nhằm khuyến khích tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội. Xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trong tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp bố trí cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường để giám sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tiếp đến, Quảng Nam sẽ, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh. Trong đó, quan tâm, xây dựng và đưa vào áp dụng Chỉ số GRDP xanh để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng, tiếp tục tập trung phát triển các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.
“Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu các chính sách, giải pháp đột phát để tăng cường thu hút các dự án FDI xanh đến với tỉnh Quảng Nam, trong đó giới thiệu về các cơ hội đầu tư trọng điểm hướng tới tăng trưởng xanh với các nhà đầu tư tiềm năng, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như: công nghiệp xanh, du lịch xanh, nông nghiệp xanh. Chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp””, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.
Ở góc độ du lịch, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho hay địa phương đã và đang tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Trong đó, Quảng Nam xác định phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.
“Đến nay, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đi đầu về phát triển du lịch xanh, đã ban hành Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam gồm 6 chủ thể là du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và homestay. Du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng, phát triển dựa trên 03 nguyên tắc phát triển du lịch bền vững là Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch - Hạn chế các tác động từ hoạt động du lịch đến môi trường - Ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và gắn với lợi ích của cộng đồng”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...