Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hà Nội) nhấn mạnh tại hội thảo “Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”, ngày 6/4.
Theo Bà Đặng Thị Hương, Việt Nam với sự phát triển nhanh chóng trong những năm qua, đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Điều này là minh chứng rõ ràng cho sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư FDI.
Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ
“Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và tối đa hóa lợi ích từ các dự án FDI thì việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng’, bà Đặng Thị Hương nói.
Bà Đặng Thị Hương đánh giá, đối với doanh nghiệp FDI hệ sinh thái hỗ trợ không chỉ đơn thuần là các chính sách thuế thuận lợi hay quy trình hành chính đơn giản, mà còn là sự đồng hành trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh.
“Đây là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức và khó khăn trong quá trình hoạt động tại Việt Nam”, bà Đặng Thị Hương bày tỏ.
Bà Đặng Thị Hương tin tưởng thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ FDI mạnh mẽ và bền vững.
“Chúng ta cần tạo ra một môi trường lành mạnh và minh bạch, nơi mà doanh nghiệp có thể phát triển bền vững, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội”, bà Đặng Thị Hương khẳng định.
Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội trực thuộc Sở KHĐT Hà Nội, là đơn vị đầu mối triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo các chương trình hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Trong năm 2024, Trung tâm đã và đang triển khai rất nhiều các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực như đào tạo lớp Ceo, lớp phụ nữ làm chủ, lớp đào tạo khởi sự, quản trị, lớp đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp, lớp chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp… chương trình được hỗ trợ 100% kinh phí từ NSNN.
Đối với hỗ trợ tư vấn, doanh nghiệp sử dịch vụ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên với mức hỗ trợ lên tới 250tr/doanh nghiệp, tư vấn chuyên sâu với mức hỗ trợ lên tới 200tr/doanh nghiệp...
Về các chương trình hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án 4889 về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm chương trình đào tạo mentor, startup, hỗ trợ cơ sở vật chất khu làm việc chung cho các statup, Vườn ươm khởi nghiệp…
Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Triển khai Vận hành Vườn ươm doanh nghiệp Chế biến và Đóng gói thực phẩm Hà Nội. Ngoài ra, Trung tâm cũng triển khai hỗ trợ thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư trong nước và nước ngoài…
Theo đó, doanh nghiệp khi có nhu cầu thay đổi đăng ký kinh doanh, đầu tư nước ngoài có thể liên hệ với Trung tâm để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.
“Trong suốt quá trình hoạt động, Trung tâm tự hào là đơn vị thực thi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đánh giá là rất hiệu quả, giúp Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên cả nước”, bà Đặng Thị Hương chia sẻ.
Tối ưu hóa chi phí bằng mô hình co-working
Trao đổi tại hội thảo về những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp FDI khi đầu tư tại Việt Nam, TS. Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (IBIA) cho biết, về cơ sở hạ tầng có 42% doanh nghiệp FDI cho rằng cơ sở hạ tầng của Việt Nam tương đối kém so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia (2021).
Về thuế, thời gian trung bình doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dành ra để giải quyết các nghĩa vụ thuế cao gấp 4 lần so với thời gian trung bình tại các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (NC Network).
Đối với chuỗi cung ứng, ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất còn non trẻ, thiếu công nghệ sản xuất, trình độ quản trị sản xuất chưa cao dẫn đến giá thành kém cạnh tranh so với các nước khác.
Về chi phí, chưa tối ưu được chi phí là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất, đồng thời là rào cản cho hoạt động đầu tư mới và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp FDI.
Đơn cử, chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành sản xuất, chi phí quản lý và điều hành, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí quản lý rủi ro và bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí…
Để tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp FDI, TS. Dương Thị Kim Liên đã chia sẻ về mô hình Co-working space (mô hình văn phòng chia sẻ không gian chung với nhiều doanh nghiệp khác nhau).
“Tối ưu hóa chi phí thông qua mô hình co-working là một chiến lược hiệu quả cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp FDI”, TS. Dương Thị Kim Liên nói.
Đơn cử, mô hình co-working để tối ưu hóa chi phí đó là sử dụng không gian chung, không gian làm việc chung trong các cơ sở co-working thay vì thuê một văn phòng riêng.
Tận dụng các tiện ích chung như phòng họp, khu vực gặp gỡ, phòng nghỉ và các dịch vụ khác được cung cấp bởi cơ sở co-working, thay vì phải chi trả cho các tiện ích này riêng lẻ.
Tận dụng các dịch vụ quản lý văn phòng và hỗ trợ khác như lễ tân, tiếp tân khách hàng, và hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp bởi cơ sở co-working để giảm chi phí tự quản lý và hỗ trợ…