Trong Báo cáo vĩ mô tháng 6 mới đây, Công ty Chứng khoán MBS (MBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá thịt lợn bật tăng do thiếu nguồn cung sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và những đợt nắng nóng xuất hiện đã đẩy giá điện lên cao và kéo CPI tăng trong tháng.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,7%. Diễn biến CPI đang cho thấy chiều hướng tăng kể từ đầu năm nay và đang tiến gần đến mức 4,5% mục tiêu Chính phủ đề ra.
Theo MBS, trong tháng 5, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tác động lớn nhất đến chỉ số CPI trong tháng khi tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó nhóm lương thực tăng 14,8% so với cùng kỳ. Giá vật liệu xây dựng và nhà ở thuê tiếp tục đóng góp vào chỉ số tăng trưởng CPI trong tháng, với mức tăng 5,3% so với cùng kỳ trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tăng tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu.
Áp lực tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu và nhiên liệu, từ đó tác động đến lạm phát trong nước. Đáng chú ý, chi phí vận tải cũng tăng 5,5% so với cùng kỳ, do giá dầu thế giới tăng 9,6% so với cùng kỳ, dẫn đến giá xăng dầu trong nước bị đẩy lên. Đồng thời, chi phí vận chuyển và giá vé máy bay cũng tăng do nhu cầu du lịch phục hồi tác động không nhỏ đến lạm phát trong nước.
Ngoài ra, việc tăng học phí tại một số tỉnh, thành phố đẩy chỉ số nhóm giáo dục tăng cao 8,1% so với cùng kỳ và nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh đã góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng so với cùng kỳ.
Giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên liệu vật liệu đầu vào cùng với giá thuê nhà tăng cao đã đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng bình quân tăng 5,5% so với cùng kỳ tác động lớn đến CPI bình quân 5 tháng tăng. Chỉ số nhóm giáo dục tiếp tục tăng 8,7% so với cùng kỳ do một số địa phương thực hiện việc tăng học phí cũng đã góp phần làm CPI bình quân chung tăng.
Ngược lại, giá điện thoại thế hệ cũ giảm khiến chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,4% so với cùng kỳ là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI bình quân.
“Chúng tôi dự kiến CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 4,1% - 4,3%, mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch đề ra của Chính phủ là 4% - 4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp”, MBS nhận định.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, lạm phát trong nửa cuối năm sẽ chịu rủi ro bởi các yếu tố sau đây: Thứ nhất, giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ trong năm 2024, nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam; Thứ hai, tỷ giá vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí hàng hóa nhập khẩu; Thứ ba, việc tăng lương cơ bản dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 1/7 có thể tác động đến lạm phát trong nước.
Ngoài ra, đơn vị này cũng duy trì dự báo giá dầu trong năm 2024 sẽ dao động với biên độ hẹp quanh mức 85 USD/thùng khi OPEC+ đã quyết định duy trì cắt giảm sản lượng đến hết quý III/2024 và kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô từ Mỹ và Trung Quốc tăng tốt hơn so với đầu năm.
“Mặc dù OPEC+ đã đưa ra một số tín hiệu có thể nới lỏng nguồn cung kể từ quý IV/2024, nhưng vẫn chưa có thông báo rõ ràng từ tổ chức về việc này và chúng tôi cho rằng, nguồn cung vẫn chưa thể tăng mạnh đến hết năm nay, do đó chưa thể ảnh hưởng quá tiêu cực đến giá dầu”, MBS đánh giá.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc Hội trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, ngày 6/6 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã nêu các giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn, hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.
Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục phát huy tiềm năng, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống qua thúc đẩy đầu tư công, các dự án hạ tầng, dự án động lực thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng liên quan đến hàng hóa thiết yếu...