Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), ngành bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 5 tháng đầu năm 2023 (12,6%) và trước dịch (5/2019 tăng 11,6%) do sự chậm lại của nhóm bán lẻ hàng hóa. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 7,4% so với cùng kỳ, dịch vụ lưu trú & ăn uống tăng 15,1% so với cùng kỳ và dịch vụ lữ hành tăng 45,1% so với cùng kỳ.
Theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam năm 2024 ước tính 276,4 tỷ USD và 488,1 tỷ USD năm 2028, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 12,1%, cho thấy sự phát triển ổn định của thị trường bán lẻ trong dài hạn.
TPS cho rằng, mặc dù tăng trưởng 5 tháng đầu năm không như kỳ vọng nhưng vẫn khá tích cực trong bối cảnh hiện tại. Sự phát triển của thị trường bán lẻ trong những năm tới được hậu thuẫn bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, thu nhập khả dụng bình quân đầu người và chi tiêu thực tế của hộ gia đình tăng nhanh. Thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam dự báo sẽ tăng rất nhanh, khoảng 3,07 nghìn USD/người/năm vào năm 2023 và dự kiến khoảng 4,50 nghìn USD/người/năm vào năm 2028.
Chi tiêu thực tế của hộ gia đình Việt Nam dự kiến tăng 98% lên 348,9 tỷ USD vào năm 2028 so với 177,0 tỷ USD vào năm 2018. Tỷ lệ tiêu dùng tư nhân và tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân của Việt Nam cũng ở mức và, chiếm khoảng 67% GDP năm 2023 và tăng 7,7% so với cùng kỳ vào năm 2022.
“Tăng trưởng thu nhập khả dụng của hộ gia đình cao sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới”, TPS đánh giá.
Thứ hai, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp nhưng đang tăng nhanh nhất khu vực. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực, khoảng 37,5% vào năm 2022 so với tỷ lệ từ 47% đến 76% ở các quốc gia Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, tốc độ thay đổi dân số đô thị ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ cao hơn các quốc gia khác trong khu vực trong giai đoạn 2024 – 2029.
TPS đánh giá, đô thị hóa là một trong những yếu tố đóng góp quan trọng vào tăng trưởng thu nhập. Các thành phố sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam, đóng góp khoảng 90% tổng mức tăng trưởng tiêu dùng trong thập kỷ tới. Đô thị hóa ở Việt Nam thường tập trung quanh các thành phố đông dân là Hà nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nguồn tiêu dùng đô thị sẽ lan sang các thành phố nhỏ hơn, bao gồm Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng, nơi có tầng lớp trung lưu sẽ gia tăng
Thứ ba, cơ cấu dân số vàng & tầng lớp trung lưu gia tăng thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mới. Cơ cấu dân số Việt Nam có tỷ lệ tham gia lao động cao, khoảng 62% dân số trong độ tuổi lao động từ 20 đến 64 tuổi. Trong độ tuổi này 88% phụ nữ đang tham gia lao động. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam vượt xa các quốc gia khác như Indonesia là 40% và Ấn Độ là 25%, dẫn tới kết quả là tỷ lệ phụ thuộc giữa những người đang làm việc và không làm việc ở mức thấp.
Tầng lớp trung lưu đang hình thành ở Việt Nam chiếm 13% dân số năm 2022 và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Theo dự báo, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu vào năm 2030. Ước tính hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu theo tiêu chuẩn toàn cầu vào năm 2035, tạo ra nhiều thu nhập khả dụng hơn và thúc đẩy tiêu dùng.
Thứ tư, người tiêu dùng kỹ thuật số thúc đẩy sự đổi mới trong hành vi mua sắm và bán lẻ. Năm 2023, Việt Nam có tới 77 triệu người, chiếm khoảng 79,1% dân số sử dụng internet, tăng thêm 5,3 triệu người so với 2022, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Số liệu này cho thấy cơ hội về thị trường tiềm năng và phát triển kinh doanh trực tuyến của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng kỹ thuật số được sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2012, dự kiến chiếm khoảng 40% lượng người tiêu dùng của Việt Nam vào năm 2030.
Đơn vị này cũng cho rằng, quá trình số hóa nhanh chóng đang thay đổi các kênh và phương thức liên lạc hàng ngày mà người Việt Nam sử dụng, đặc biệt là trong thương mại điện tử, nơi những công ty trong khu vực như Shopee và Lazada cũng như những công ty địa phương như Tiki đang hoạt động.
Những xu hướng hành vi mới này đã buộc các công ty phải suy nghĩ lại việc phân bổ ngân sách tiếp thị của mình. Các nhà tiếp thị đang nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng và tính phổ biến của các kênh trực tuyến. Năm 2021, chi tiêu quảng cáo trực tuyến dự kiến sẽ đạt gần 1 tỷ USD tại Việt Nam và tăng trưởng khoảng 22% mỗi năm cho đến năm 2025.
Quy mô thương mại điện tử của Việt Nam năm ước tính khoảng 16,4 tỷ USD vào năm 2022, 32 tỷ USD vào năm 2025 và 40 tỷ USD vào năm 2027. Tương ứng với mức tăng trưởng CAGR là 19,52% giai đoạn 2022 – 2027.
Thứ năm, chuyển đổi số & thanh toán điện tử làm thay đổi cục diện ngành bán lẻ. Theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025. Với nền kinh tế, chính trị ổn định, quy mô dân số đạt 100 triệu, Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới.
Chuyển đổi số đã góp phần thay đổi cục diện của ngành bán lẻ, các hình thức phân phối chuyển từ cửa hàng/quầy bán hàng/điểm bán trực tiếp khác sang xây dựng kênh bán hàng online trên các trang mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đã tăng hơn 3,2 lần từ năm 2015 đến 2022, đạt 16,4 tỷ USD.
“Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Dự đoán đến năm 2027, thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, khoảng 28% và đạt mức 40 tỷ USD”, TPS nhận định. Đồng thời cho rằng, chuyển đổi số, thanh toán điện tử và các hệ sinh thái tài chính liên tục phát triển đã làm thay đổi đáng kể cục diện của ngành bán lẻ.