25.250 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 6,46%, cao hơn 2,91 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023 (6 tháng năm 2023 tăng 3,55%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,18% so với cùng kỳ; Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,55%; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 7,26% so với cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,39%. Dự ước vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đạt 18,2% so với GRDP.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng dự ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 22,4%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 24,2%).
Tổng doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm 2024; Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 17.135.045 lượt, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 45,1% so với kế hoạch năm 2024; Khách quốc tế đến TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.678.275 lượt, tăng 38% so cùng kỳ năm 2023, đạt 44,6% so với kế hoạch năm 2024.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Ngoài ra, đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng so với cùng kỳ, thấp nhất trong quý 2 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,0% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,6 điểm % so với IIP toàn ngành công nghiệp. Bao gồm: Ngành hóa dược tăng 21,1%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 1,3%; ngành cơ khí giảm 1,7%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 5,4%.
Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 79.263,776 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 3.168,56 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577,22 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố, tính đến ngày 28/6/2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Thành phố đã giải ngân là 10.129 tỷ đồng, đạt 12,8% tổng kế hoạch vốn được giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 25.250 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới đạt 194.799 tỷ đồng, tăng 9,6% về số lượng, giảm 8,38% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn đăng ký bổ sung khoảng 133.160 tỷ đồng, giảm 45,6% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung 6 tháng đầu năm 2024 là 327.959 tỷ đồng, giảm 28,3% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, có 1.771 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,7% so với cùng kỳ; 20.633 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ; 8.576 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hút được khoảng 1,121 tỷ USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 597 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 192,65 triệu USD (tăng 16,1% số dự án cấp mới, giảm 16,7% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Đồng thời, Thành phố cũng chấp thuận cho 1.015 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 821,34 triệu USD, giảm 6,7% về số trường hợp nhưng tăng 16,8% về vốn so với cùng kỳ.
12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Theo UBND TP.HCM, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong 6 tháng cuối năm cần nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Hai là, tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố trong năm 2024. Đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% theo như cam kết và kế hoạch đã đề ra.
Ba là, trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060; Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040.
Bốn là, triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024; Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, nhất là đất đai nhằm tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
Năm là, tổ chức xây dựng Đề án phát triển kinh tế số Thành phố. Vận hành chính thức Hệ thống điều phối vận hành Chính quyền số Thành phố. Đưa vào vận hành thử nghiệm các nền tảng: Ứng dụng trên di động công dân thống nhất của Thành phố (App Công dân Thành phố), nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử Thành phố,…
Sáu là, chủ động thúc đẩy hoạt động của Hội đồng vùng; phát huy vị trí, vai trò TP.HCM là trung tâm kết nối của khu vực Đông Nam Bộ nhằm mở rộng các hành lang vận tải trọng tâm bám sông, hướng biển, thúc đẩy kết nối chuối cung ứng, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển du lịch.
Bảy là, phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư, gắn kết chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch. Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến 2030…
Tám là, quan tâm đúng mức đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chỉnh trang đô thị, các không gian công trình văn hóa, …Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu lao động, sẵn sàng giải pháp hỗ trợ cung ứng lao động cho các ngành sản xuất có nhu cầu sử dụng lao động tăng cao trong những tháng cuối năm.
Chín là, xây dựng và triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (giai đoạn 2024 - 2025). Hình thành các cơ sở dữ liệu về thị trường, cung - cầu hàng hóa; đơn vị sản xuất kinh doanh, các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ…
Mười là, xây dựng các Kế hoạch năm học 2024 - 2025. Rà soát phát triển mạng lưới trường học để có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu đến hết năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Hoàn thiện Kế hoạch Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045.
Ngoài ra, Thành phố chủ động, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch triển khai các Đề án liên quan đến lĩnh vực y tế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế; triển khai hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển Thành phố.