Sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo, hầu hết các quốc gia khác đều “đổ dồn” sang Việt Nam, Thái Lan để tìm kiếm phương án thay thế. Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia tranh mua gạo Việt Nam.

Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) cho biết, các thương nhân hiện đang xem xét thông tin về nguồn cung và giá từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp Philippines đã chấp nhận giá chào mới từ các doanh nghiệp Việt Nam để có hàng trong tháng 8 khi vụ Hè Thu thu hoạch.

Kiến nghị tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp thu mua gạo

 

Nhiều quốc gia khác đang “đổ dồn” sang Việt Nam tìm kiếm phương án nhập khẩu gạo

 

Hay như Indonesia, nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung từ cả nội địa và nhập khẩu sẽ khiến giá gạo tăng cao. Sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nhập khẩu gạo, kiềm chế lạm phát và tồn kho.

Tuy nhiên, tiến độ thu mua gạo của thương nhân bị hạn chế vì hạn mức tín dụng. Hiện phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn linh động. Trong khi đó, giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.

Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ… trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.

Đối với những lo ngại về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với sản xuất trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tính đến ngày 1/8, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ đông xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ hè thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18 – 19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch.

Ông Nguyễn Như Cường khẳng định: “Có thể có rủi ro, nhưng về cơ bản, với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu.”

Kiến nghị tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp thu mua gạo

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Tại Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đều cùng quan điểm cho rằng cần tận dụng thời cơ xuất khẩu gạo nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực cho nội địa.

Tuy vậy, việc doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp hiện còn khó khăn, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh lúa, gạo.

Hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Có những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Việc giá cả thị trường nội địa trong biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu, một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Do vậy, các địa phương đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xây dựng vùng nguyên liệu, có đầu tư kho chứa, nâng cấp, cải thiện dây chuyển máy móc sản xuất.

Đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận máy móc thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, tăng khả năng và thời gian bảo quản, giảm áp lực cung cầu, chủ động giá bán cạnh tranh.

Cùng với đó cùng cần có chính sách phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường và sản phẩm xuất khẩu ổn định, bền vững; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Đặc biệt, các địa phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.