Đôn đáo tuyển dụng

Khá lâu rồi, các phiên tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm ở một số tỉnh phía Bắc mới sôi động đặc biệt đến thế. Tại Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần, hai phiên giao dịch trực tuyến có sự kết nối với nhiều tỉnh, thành được tổ chức liên tiếp. Tỉnh Bắc Giang – địa phương có số lượng lao động cần tuyển lớn nhất miền Bắc hiện nay, ngoài việc tổ chức các phiên tuyển dụng trực tiếp tại sàn vào thứ 5 hàng tuần còn tăng cường kết nối các tỉnh, TP phía Bắc để tìm kiếm thêm nguồn tuyển đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các nhà máy.

Cụ thể, theo ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tại phiên giao dịch trực tuyến mới nhất kết nối 9 tỉnh, thành phía Bắc, có 130 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển dụng với 27.695 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, hơn 50% nhu cầu tuyển dụng đến từ các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang (17.244 chỉ tiêu). Sau đó là các địa phương: Ninh Bình với 3.701 chỉ tiêu, Phú Thọ 1.850 chỉ tiêu, Hải Phòng 1.584 chỉ tiêu, Bắc Ninh 1.557 chỉ tiêu…

Nhiều doanh nghiệp điện tử dồn dập tuyển dụng hàng vạn lao động

 

Các ứng viên trao đổi trực tuyến với nhà tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (ảnh: HẠNH LÊ)

 

Phân tích dữ liệu tuyển dụng, theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, trung cấp, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, tập trung chính ở ngành điện tử… Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê và chỉ số PMI tháng 7, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi, kéo theo số lao động làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp tăng trở lại. Điều này phản ánh đúng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Hà Nội và một số tỉnh với số lượng lớn.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Huế cho biết, sau thời gian chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng mới với nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nhất kể từ dịch COVID – 19. Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cần tuyển mới hơn 60.000 lao động.

Ngoài một số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đầu chuỗi có nhu cầu lớn từ đầu năm, gần đây trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm một số doanh nghiệp cũng đang cần lao động với số lượng lớn. Việc các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang tuyển dụng số lượng lớn không phải là quá bất ngờ.

Chỉ số thống kê tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) công bố cho thấy, Bắc Giang liên tục là điểm đến của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp sản xuất điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã hoạt động có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Thưởng “nóng” cho lao động dự tuyển

Tập đoàn Luxshare – ICT là một trong những doanh nghiệp tại Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng 10.000 lao động. Theo đại diện tập đoàn, từ tháng 7, doanh nghiệp đã nỗ lực cả ngày lẫn đêm, qua nhiều kênh, nhiều nguồn nhưng mới chỉ tuyển được 5.000 lao động và đang còn thiếu 5.000 lao động.

Để kịp tiến độ sản xuất, tập đoàn đã có công văn đề nghị UBND tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ tuyển dụng 5.000 công nhân thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu và tuyển dụng lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng lân cận.

Nhiều doanh nghiệp điện tử dồn dập tuyển dụng hàng vạn lao động

 

Tập đoàn Luxshare – ICT có nhu cầu tuyển dụng 10.000 lao động

 

Bà Hoàng Thị Thúy – Trưởng phòng Tuyển dụng của tập đoàn thông tin: thu nhập của người lao động đạt mức 9 – 12 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ ưu đãi như được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá cùng các khoản tiền điện, nước. Công nhân ở huyện lân cận có xe đưa đón hằng ngày. Đặc biệt, trong tháng 8, lao động đến đăng ký tuyển dụng được thưởng “nóng” 500.000 đồng, trúng tuyển có thể đi làm ngay.

Cùng với tập đoàn Luxshare – ICT, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải cũng đang có kế hoạch tuyển dụng hơn 10.000 công nhân viên cho 6 tháng cuối năm, trong đó hai tháng 8, 9 dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 3.700 công nhân viên.

Trước nhu cầu trên, trong tháng 8, Sở Lao động Thương binh Xã hội Bắc Giang  tổ chức hàng tuần phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh, thành phía bắc để tuyển nguồn; đồng thời có công văn gửi Sở Lao động Thương binh Xã hội các địa phương từ Nghệ An trở ra phía bắc hỗ trợ, phối hợp tuyển dụng, phục vụ sản xuất trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là cơ hội việc làm lớn cho các nhân sự đã mất việc trong các ngành nghề dệt may, da giày, gỗ… Thậm chí, các lao động bị cắt giảm tại các tỉnh phía Nam có thể dịch chuyển về làm việc tại phía Bắc gần gia đình.