Đó là nội dung được nêu tại văn bản số 1606/UBND- KTN của UBND tỉnh An Giang về việc hỗ trợ cung cấp nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Không còn khả năng hỗ trợ…
Cụ thể, tại văn bản số 1606/UBND- KTN, ngày 27/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, cho rằng bản thân địa phương rất chia sẻ với những khó khăn về nguồn cát phục vụ dự án đường Vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Song, hiện nay An Giang không còn khả năng hỗ trợ nguồn cát cho TP.HCM thực hiện dự án đường Vành đai 3. Bởi, hiện nay nguồn cát trên địa bàn tỉnh An Giang đều đã huy động để phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Bao gồm: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 9,3 triệu m3, qua địa bàn Hậu Giang và Cần Thơ là 7,5 triệu m3, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 7 triệu m3. Ngoài ra, lượng cát của tỉnh An Giang còn phải cung cấp cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Đặc biệt, đối với các mỏ cát theo đề xuất của UBND TP.HCM cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 gồm: mỏ cát trên sông Hậu (xã Khánh Hòa, H.Châu Phú và xã Phú Hiệp, H.Phú Tân) do Công ty TNHH TM Tân Hồng khai thác, trữ lượng khoảng hơn 1,1 triệu m3, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết đã phân bổ hết cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang và các công trình trong tỉnh.
Với khu vực cát thu hồi từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao (thuộc tỉnh An Giang) trữ lượng khoảng hơn 3,46 triệu m3, đã phân bổ 3 triệu m3 cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, khối lượng còn lại cung cấp cho các công trình trong tỉnh An Giang.
Vì vậy, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ TN-MT và UBND TP.HCM làm việc với các tỉnh, thành phố khác để được hỗ trợ nguồn cát phục vụ thi công đường Vành đai 3.
… và không nằm trong danh mục áp dụng cơ chế đặc thù
Mặt khác UBND tỉnh An Giang cho rằng, Dự án đường Vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh không nằm trong danh mục các công trình áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh An Giang cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/06/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công) và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/06/2021.
Như vậy, để triển khai dự án đường Vành đai 3, TP.HCM sẽ cần nguồn cát đắp nền đường khoảng 7,3 triệu m3 và cát xây dựng là 1,5 triệu m3.
Đáng chú ý, trước nhu cầu cát rất lớn để thi công dự án, ngày 10/11/2023 Bộ TN-MT và UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị nhiều tỉnh, thành phố hỗ trợ cát cho dự án.
Cụ thể, ngày 10/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bản số 9582/BTNMT-KSVN, gửi cho UBND tỉnh An Giang và một số tỉnh thành về việc cung ứng cát san lấp dự án đường Vành đai 3, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho rằng, hiện nay, nguồn cát trên địa bàn tỉnh An Giang đều đã huy động phân bổ cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh An Giang và các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Do vậy, việc hỗ trợ nguồn cát cho dự án đường Vành đai 3, Thành phố Hồ Chí Minh là rất khó khăn và tỉnh An Giang không còn khả năng hỗ trợ. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang kính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với các tỉnh, thành phố khác để được hỗ trợ nguồn cát phục vụ thi công dự án nêu trên.
Thiếu VLXD so với nhu cầu của dự án…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, liên quan tới việc thiếu nguồn cát san lấp, đắp nền cho dự án, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết: Hiện nay, theo kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, nhu cầu về nguồn đá xây dựng và đất đắp nền đường cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của dự án. Tuy nhiến, đối với với vật liệu cát xây dựng và đặc biệt cát đắp nền đường còn thiếu so với nhu cầu của dự án.
"Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án; chủ trì hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại Thông báo số 368/TB-VPCP ngày 02 tháng 12 năm 2022" – ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, bên cạnh đó, khẩn trương áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM): Thực hiện Nghị quyết số 57/2022/QH14 của Quốc hội, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
"Hiện các địa phương đang nghiên cứu áp dụng BIM cho dự án. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các quy định về việc áp dụng BIM như: đơn giá, định mức, công tác thẩm định, phê duyệt … chưa được chính thức ban hành. Vì vậy, BQLDA đã đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua lộ trình áp dụng BIM theo đề xuất của Bộ Xây dựng tại tờ trình số 51/TTr-BXD ngày 05/12/2022 làm cơ sở áp dụng; đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành định mức, đơn giá áp dụng BIM và hướng dẫn các cơ quan đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo đồng bộ trong quá trình triển khai" – ông Phúc thông tin.
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài hơn 76,3km, qua 4 địa phương, đoạn qua TP.HCM dài hơn 47 km; Đồng Nai hơn 11,2 km; Bình Dương hơn 10,7 km và Long An hơn 6,8 km. Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng. Dự án đã được khởi công chính thức từ ngày 18.6.2023, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. |