Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết như vậy buổi công bố bản cập nhật kinh tế mới nhất của WB có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng”.

Thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư công

 

Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới phát biểu (ảnh: H.L)

 

Theo bà Carolyn Turk, nền kinh tế Việt Nam đang gặp thách thức từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Tăng trưởng GDP toàn cầu dự báo tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng giảm sút. Đây vốn là 2 yếu tố chính dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua nên kinh tế Việt Nam chắc chắn chịu tác động đáng kể, trong đó có các doanh nghiệp và cá nhân.

Qua khảo sát doanh nghiệp, đại diện WB nhận thấy, các đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, tác động đến thị trường lao động, tăng trưởng việc làm chậm lại, nhất là trong những doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.

Báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Dự báo mức tăng trưởng đạt 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025.

Nền kinh tế Việt Nam chỉ được hỗ trợ bằng biện pháp mạnh mẽ để duy trì phục hồi kinh tế trong ngắn hạn song cần các biện pháp bảo vệ người lao động và bảo vệ động lực hỗ trợ tăng trưởng không sụt giảm quá sâu.

Trong bối cảnh trên, theo nhận định của WB, đầu tư công đóng vai trò quan trọng. Trong năm 2022 – 2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã giúp phục hồi phần nào đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư công đối mặt với những cản trở lớn, đặc biệt là giải ngân luỹ kế, đến tháng 6 năm 2023 mới đạt 30% dự toán ngân sách. Do vậy nên cần cải thiện chất lượng và hiệu quả dự án đầu tư công trong nước.

Thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư công

Thực hiện hiệu quả dự án đầu tư công có thể kích thích tổng cầu tạo động lực tăng trưởng kinh tế

 

Trong báo cáo, WB đề xuất một số lựa chọn chính sách kết hợp cả biện pháp ngắn hạn lẫn để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo.

Theo đó, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu dài hạn hơn, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, tài chính. Đây là những lĩnh vực không chỉ quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn mà còn góp phần, xử lý nút thắt ngăn cản giải ngân đầu tư công như những vấn đề giải phóng mặt bằng, áp dụng đơn giá và định mức chi phù hợp, những thủ tục hành chính phức tạp kéo dài… Thực hiện hiệu quả ngân sách đầu tư công năm 2023, theo đánh giá của WB có thể kích thích tổng cầu – động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, WB cũng đề xuất một số chính sách thúc đẩy tăng trưởng như đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài; chính sách tài khóa có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc khuyến khích thực hành và tiêu dùng xanh, góp phần xây dựng môi trường bền vững.