FTA thế hệ mới – bàn đạp cho logistics phát triển

Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 7/2023, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định FTA, 3 FTA đang đàm phán. Các FTA thế hệ mới (CPTPP – EVFTA – UKVFTA) tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…Đồng thời, các doanh nghiệp Việt được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn, được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm… Các đối tác đều là các nền kinh tế có mức phát triển cao nên tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, công nghệ.

Sau khi FTA được ký kết, khối lượng hàng hoá trao đổi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tăng cao, nhất là những mặt hàng có khối lượng vận chuyển lớn như dệt may, da giày, thuỷ sản… Để thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa các nước và Việt Nam với chi phí hợp lý, thời gian vận chuyển ngắn thì vai trò của doanh nghiệp logistics rất quan trọng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng, vận hành và phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam…

Tối ưu hoá logistics khi Việt Nam hội nhập sâu rộng

 

Các doanh nghiệp logistics có cơ hội phát triển khi Việt Nam tham gia các Hiệp định FTA

 

Dù có nhiều cơ hội phát triển, doanh nghiệp Việt vẫn phải đối mặt với những thách thức đến từ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt với một số nhóm ngành như thép, ô tô, giấy. Tiêu chuẩn chất lượng cao, quy tắc nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (thuốc trừ sâu), dán nhãn, môi trường, sản phẩm xanh.. rất khắt khe buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh mô hình sản xuất, nuôi trồng phù hợp với chuẩn kỹ thuật.

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương: Các doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân sự pháp lý đủ khả năng, chủ động tìm hiểu thông tin các cam kết FTA và các nước đối tác FTA, nắm chắc những thông tin về lộ trình cắt giảm thuế liên quan đến các mặt hàng kinh doanh; nghiên cứu thủ tục, quy định, thị hiếu của thị trường để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, chất lượng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng tối đa các cơ hội do các FTA mang lại. Nỗ lực tự đổi mới sáng tạo, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển, nâng cao năng lực tham gia các chuỗi cung ứng mới.

Đi tìm mô hình phát triển mới cho logistics Việt Nam

Logistics Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng, thể hiện qua các con số: Chỉ số LPI đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động logistics của các quốc gia năm 2023 đứng thứ 43/155 nước và vùng lãnh thổ (do WB xếp hạng), xếp thứ 11/50 thị trường logistics mới nổi (do Agility công bố), tốc độ phát triển 14-16%/ năm với quy mô đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục XNK Bộ Công Thương nhận định: Logistics Việt Nam chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Hạ tầng logistics kết nối với hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin…trong nước và với khu vực còn chưa cao. Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Việt Nam hiện có hơn 43 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi, hơn 5000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL nhưng 95% là mô hình vừa và nhỏ, khó cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế. Năng lực doanh nghiệp còn hạn chế và thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành.

Theo đó, Cục phó Cục XNK Bộ Công Thương đề xuất mô hình Khu thương mại tự do nhằm giảm bớt các “hàng rào” về thuế quan, phi thuế quan, tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển. Khu thương mại tự do (FTZ) là khu vực địa lý nằm trên một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng không áp dụng thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp quản lý thương mại. Về cơ bản, các FTZ tương tự như một khu chế xuất nhưng thường cứ quy mô lớn hơn. Các khu thương mại tự do thường được thiết lập ở gần các cảng biển chính, sân bay quốc tế và cửa khẩu đường bộ – những vùng có nhiều lợi thế về thương mại. Trên lý thuyết, khu thương mại tự do có thể đặt ở bất kỳ đâu, nhưng thường gắn với cảng biển để có thể hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của dịch vụ cảng, giúp hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Để đạt được mục tiêu có một cảng trung chuyển tầm cỡ tại Đông Nam Á, Việt Nam rất cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng nhiều hơn. Khi hàng hóa ra vào nhiều hơn, thì dịch vụ logistics càng có cơ hội để phát triển.

Những ngành hàng, doanh nghiệp có khối lượng xuất nhập khẩu thường xuyên và lớn, tốc độ luân chuyển nhanh là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ FTZ. Các doanh nghiệp khi tham gia vào FTZ không phải đóng thuế xuất nhập khẩu; thuận lợi về vận chuyển, dịch vụ logistics; tạo bàn đạp để tiếp cận thị trường và kết nối với các doanh nghiệp khác trong và xung quanh Khu thương mại tự do.