Đối với vùng Đông Nam Bộ, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, sẽ có một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt cho vùng riêng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo hiện đã xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội, đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương.
Theo đó, mục tiêu là xác định chính sách phù hợp, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.
Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư; thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng và cả nước.
Đáng chú ý đối với vùng Đông Nam Bộ, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, sẽ có một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt cho vùng riêng. Đó là chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới, đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành quả chung của cả nước thời gian qua.
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cần chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 và năm 2024; chủ động bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời đến Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2024 đã đề ra để quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.
Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng, như: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối…
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TPHCM tại kỳ họp của Hội đồng vùng Đông Nam Bộ vào tháng 11/2024. Bên cạnh đó, TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào 30/4/2025.
Đồng thời, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động mọi nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam bộ để tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm, Vùng Đông Nam Bộ có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.
Cụ thể, trong tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58% - thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%); thu ngân sách nhà nước hơn 390.000 tỷ đồng - chiếm hơn 38% tổng thu cả nước, đứng thứ 2 sau Vùng Đồng bằng sông Hồng (gần 43%).
Giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD - chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau Vùng Đồng bằng sông Hồng (gần 35%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Đối với kết quả sau 2 tháng kể từ hội nghị Hội đồng điều phối vùng vào tháng 5, đã hoàn thành được một số nhiệm vụ: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 138/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Quyết định 442/2024; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) tại Quyết định 760/2024.
Đặc biệt, một số dự án trọng điểm và có ý nghĩa là cơ sở hạ tầng thúc đẩy liên kết vùng đã chuyển động ro rệt như Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hơn 90% diện tích mặt đường đã được rải đá dăm, dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30-4-2025 - sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu; Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tính hết tháng 7-2024 đạt tiến độ trên 80%; Dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 60% tiến độ; riêng phần xây thô nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%.
Theo các chuyên gia, việc tháo gỡ các nút thắt trong đó thứ nhất là mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng thiếu, chưa đồng bộ, thúc đẩy được tiến độ các dự án sẽ tăng điều kiện để liên kết vùng. Đây cũng là điều kiện để gỡ các vướng mắc hạn chế cơ bản cho mục tiêu tháo gỡ hiện trạng không gian kinh tế thống nhất của vùng chưa được xây dựng hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương còn bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí cạnh tranh nhau dẫn đến triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương...
Theo đó, cơ chế chính sách đặc thù riêng biệt được kỳ vọng như "chìa khóa" để mở ra cơ hội cho vùng Đông Nam Bộ, vốn được kỳ vọng phát triển xứng tầm vùng kinh tế động lực, cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, để khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...