Thực tế trước đây, Việt Nam cần vốn và có nguồn lao động dồi dào nên mong muốn có nhiều nhà đầu tư vào cung ứng vốn, sử dụng nhiều lao động. Nhưng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, việc thu hút FDI phải hướng đến chuyển giao công nghệ, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị.
Theo đó, thu hút FDI thế hệ mới được hiểu là hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam... Đặc biệt, sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chíp, công nghệ của tương lai đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI công nghệ cao.
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, đặt địa điểm chiến lược cho sản xuất phân tán. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn thực hiện của các dự án FDI 4 tháng ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, việc hiện thực hóa được các cơ hội đang mở ra cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể là thủ tục hành chính, quy định luật pháp rõ ràng và nhất quán… đang là các vấn đề mà nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất.
Bên cạnh đó, chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp. Sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động…
Trước thực trang trên, để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao, ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Xúc tiến đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam phải có những chính sách ưu đãi cao và hỗ trợ ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, đặc biệt là ngành sản xuất chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và triệt để hơn, tránh việc nhũng nhiễu làm giảm lòng tin của nhà đầu tư.
“Chúng ta cũng phải đào tạo nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật và tác phong công nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của các dự án chất lượng cao. Nếu quá trình này không được thúc đẩy nhanh và mạnh, chúng ta có thể sẽ để lỡ nhịp trong việc thu hút làn sóng FDI thứ tư này”, ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết sân bay, cảng biển, các tỉnh thành phố lớn với các trung tâm công nghiệp. Đồng thời, hạ tầng năng lượng cũng cần được nâng cấp và tập trung đầu tư, nhất là việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu sản xuất của những dự án công nghệ cao, bảo vệ môi trường và tránh phát thải CO2 ra môi trường.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, làn sóng FDI mới đang mở ra cơ hội rất đặc biệt cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo những bước phát triển nhảy vọt. Để không lỡ nhịp “cuộc chơi lớn”, Việt Nam cũng phải kịp thời “tân trang” nguồn lực.
Trước tiên, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
“Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Do đó, Chính phủ cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế, giúp họ duy trì sự hiện diện sau khi áp dụng thuế này”, chuyên gia này chia sẻ.
Hai là, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Mở rộng các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư.
Ba là, nhân lực chất lượng cao. Đây chính là yêu cầu tất yếu, là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, đứng trên vai người khổng lồ tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bốn là, phát triển kinh tế xanh, bền vững theo xu hướng phát triển toàn cầu.
“Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề quan trọng quyết định Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI tới mức nào, thu hút vốn FDI chất lượng cao nhiều hay ít, ở tất cả các lĩnh vực”, ông Võ Trí Thành khẳng định.