3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, xuất nhập khẩu hàng hóa dần phục hồi và hoạt động sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2024.

Trong báo cáo Triển vọng năm 2024 “Tìm về giá trị thực” mới phát hành, Công ty Chứng khoán FPTS đã chỉ ra 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo FPTS, năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký và FDI thực hiện vào Việt Nam đều ghi nhận kết quả tích cực, lần lượt đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước và 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đáng chú ý là vốn đăng ký cấp mới đã có sự gia tăng mạnh mẽ, đạt 20,2 tỷ USD, tăng 62,2% với 3.188 dự án mới được cấp phép, tăng 56,6% so với năm trước.

3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Việt Nam hiện là đối tác đầu tư cùa 144 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, dòng vốn FDI vẫn chủ yếu đến từ các đối tác đầu tư châu Á truyền thống, gồm Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Tổng vốn đăng ký của 6 quốc gia này chiếm hơn 81% tổng vốn đầu tư.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị thế dẫn đầu về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với hơn 23,5 tỷ USD trong năm 2023, chiếm 64% tổng vốn FDI đăng ký và tăng gần 40% so với năm trước. Trong đó, chủ yếu là nguồn vốn đăng ký cấp mới với gần 15,85 tỷ USD, gấp hơn 2 lần lượng vốn cấp mới trong năm 2022. Đáng chú ý, lượng vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục xu hướng tăng, với trị giá 9,5 tỷ USD trong quý IV/2023, tăng 103% so với cùng kỳ.

3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Cũng theo FPTS, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI. Trong năm 2023, TP.HCM tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với phương thức chủ yếu là góp vốn mua cổ phần. Quảng Ninh tiếp tục là một trong những địa phương tiêu biểu về thu hút FDI với các dự án đầu tư lớn. Trong khi đó, Nghệ An cũng là một “điểm sáng” về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,6 tỷ USD trong năm 2023, tăng 80% và là năm thứ 2 liên tiếp nằm trong top 10 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước.

Tuy nhiên, FPTS cũng cho rằng, áp lực đối với dòng vốn FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu sẽ bắt đầu từ năm 2024.

“Theo quy định, mức thuế suất tối thiểu là 15%, áp dụng cho các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR trở lên trong ít nhất 2 trên 4 năm liền kề. Khi đó, các ưu đãi về thuế không còn là điểm mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài mà thay vào đó Việt Nam cần cải thiện các điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động”, chuyên gia của FPTS đánh giá.

Thứ hai, xuất nhập khẩu hàng hóa dần phục hồi. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 619,4 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt 322,8 tỷ USD, giảm 5,8% và nhập khẩu đạt gần 296,9 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ở mức cao, đạt 25,9 tỷ USD.

3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

FPTS đánh giá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ lực hầu hết đều giảm do cầu yếu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần vào cuối năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đã có sự cải thiện. Thị trường Trung Quốc và Ấn Độ là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tăng trưởng dương trong 11 tháng 2023, lần lượt đạt 5,2% và 6,7%.

Tình hình kinh tế của các đối tác xuất – nhập khẩu chính đang dần cải thiện là yếu tố tích cực tác động đến hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt kỳ vọng trong quý III/2023 (ước tính lần 2 tăng trưởng GDP đạt 5,2% so với cùng kỳ) với động lực chính đến từ lĩnh vực tiêu dùng (tăng trưởng 3,6%).

Đối với Trung Quốc, theo dự báo của Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, tăng trưởng GDP tăng khoảng 5,6% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và khoảng 5,3% cả năm 2023. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 5%, với kịch bản tình hình kinh tế thế giới được cải thiện, chính sách ổn định tăng trưởng tiếp tục có hiệu quả rõ nét, nhu cầu tiêu dùng trong nước liên tục được phục hồi.

3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Trong khi đó, khu vực châu Âu (EU), lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua (CPI tăng 2,4% so với cùng kỳ tháng 11/2023 thấp hơn so với mức tăng 2,9% so với cùng kỳ trong tháng trước). Còn Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế bứt tốc trong khi kinh tế toàn cầu liên tiếp trải qua khủng hoảng. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Ấn Độ đạt 6,3% vào năm 2023 và 2024.

Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết và đưa vào thực thi các FTA mới với các đối tác tiềm năng như Israel, UAE, Mercosur nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Thứ ba, hoạt động sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực. Theo FPTS, trong nửa đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp diễn ra ảm đạm, chỉ số sản xuất (CSSX) toàn ngành công nghiệp ghi nhận giá trị âm so với cùng kỳ. Xét tương quan về mặt dữ liệu, CSSX ngành công nghiệp trong giai đoạn này chỉ tương đương với thời kỳ giãn cách xã hội do Covid-19.

3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, hoạt động sản xuất đã có những chuyển biến tích cực hơn, CSSX một số ngành công nghiệp trọng điểm đã lấy lại mức tăng trưởng dương, CSSX chung toàn ngành tăng 3,5% so với cùng kỳ trong quý III và 5,8% so với cùng kỳ trong tháng 11. Tính chung 11 tháng năm 2023, CSSX ngành Công nghiệp tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước.

“Theo dự báo của IMF, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh nhất năm 2024. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 5,8%, cao hơn mức 4,7% trong năm 2023 nhưng vẫn chưa về lại mức trước đại dịch. Mục tiêu tăng trưởng Quốc Hội đặt ra dự kiến khoảng 6% - 6,5%. Với mức nền tương đối thấp trong năm 2023 cùng với việc các điều kiện sản xuất kinh doanh ở cả trong và ngoài nước đang có sự cải thiện, chúng tôi cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ nằm trong khoảng 5,5% - 6,0% do vẫn còn những lo ngại về sự phục hồi của nhóm Ngân hàng và Bất động sản”, FPTS nhận định.