Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định về những cơ hội mới cho ngành dệt may trong năm 2024.
Theo ông Vũ Đức Giang, ngành dệt may trong nước còn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Đó là 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết đang được thực thi, 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán và sớm có hiệu lực.
“Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD”, ông Giang kỳ vọng.
Còn theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện nay tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang có dấu hiệu phục hồi.
Điều này làm tăng khả năng cải thiện nhu cầu về hàng dệt may cao hơn năm 2023. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp.
“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là một trong những lợi thế lớn”, ông Cẩm bày tỏ.
Trong báo cáo với cổ đông gần đây lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết hiện công ty đã nhận được khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý I/2024.
Công ty Việt Thắng Jean (VitaJean) gần đây cũng nhận được đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu với 1 triệu sản phẩm. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty, cho rằng đây là tín hiệu tích cực trong khởi đầu năm 2024, sau khi doanh nghiệp trải qua năm 2023 tăng trưởng âm, doanh thu giảm 20% so với năm trước đó.
Bình luận về việc VITAS đặt mục tiêu toàn ngành dệt nay đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, giới phân tích và các doanh nghiệp cho rằng sẽ gặp không ít khó khăn để trở thành hiện thực.
Bởi, kinh tế thế giới còn nhiều biến động và hết sức bất định. Đơn hàng xuất khẩu dự báo tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao.
Bên cạnh đó, rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỉ giá giảm, xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Đặc biệt, ngành dệt may còn phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ “hàng rào kỹ thuật” của các quốc gia nhập khẩu, nhãn hàng thời trang, như việc áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).
CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU, luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức…
Với những đặc điểm cơ bản của thị trường ngành dệt may trong giai đoạn tới, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp dệt may cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành.
Đó là, cần bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Với dự báo biến động liên tục về thị trường, các nhà máy cần phải linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo năng lực tìm kiếm đơn hàng…