LTS: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để năm 2024 tăng trưởng, năm 2025 về đích, đạt đúng mục tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Duy Thuận - CEO công ty CP tập đoàn Lộc Trời cho biết: để nắm bắt tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, doanh nghiệp và bà con nông dân mong muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng hợp lý để duy trì sản xuất, thu mua lúa gạo ổn định, đảm bảo cân bằng giá mua - giá bán.
- Ông nhận định ra sao về cơ hội cho xuất khẩu gạo trong năm 2024?
Trong năm nay, El Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng, sản lượng lúa gạo nói chung trên toàn cầu có thể giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục thuận lợi hơn do chúng ta có cánh đồng lớn và khả năng cung cấp gạo ổn định. Trong chuỗi giá trị của ngành lúa gạo, hoạt động canh tác trồng trọt của bà con nông dân tốt hơn khi sản lượng ổn định, giá gạo tăng và chi phí kiểm soát tốt. Với doanh nghiệp, để đảm bảo lợi nhuận tốt, quan trọng nhất phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có thể vay được vốn ngân hàng để tồn trữ lúa gạo trong dân để sẵn sàng bán với giá phù hợp hay không?
- Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn nào trong tiếp cận tín dụng, thưa ông?
Như tôi đã chia sẻ, doanh nghiệp cần đủ nguồn vốn để thu mua lúa gạo nên chủ yếu cần zoom tín dụng ổn định vì đang làm hết hạn mức tín dụng, doanh nghiệp gặp khó khăn không mua lúa được. Thứ hai là lãi suất cho bà con nông dân. Theo các quy định về cho vay tín chấp hiện hành, nông dân phải chịu lãi suất rất cao do bị xếp là thành phần rủi ro cao và khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Trong năm 2023, Lộc Trời đã thay nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và trả thay nông dân lãi suất 18%/năm để duy trì mối liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp. Điều này đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân trên cánh đồng lớn. Vì vậy, để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu gạo ổn định, ngân hàng xem xét giảm hệ số rủi ro để có mức lãi suất hợp lý dành cho nông dân trồng lúa. Điều kiện áp dụng là nông dân phải đăng ký liên kết sản xuất với một doanh nghiệp có nhà máy chế biến.
- Thị trường lúa gạo năm 2024 được nhận định sẽ chịu tác động từ xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị. Doanh nghiệp đã thích ứng với xu hướng này như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi khẳng định, phát triển bền vững với Lộc Trời là nhu cầu tự thân và bắt buộc phải thực hiện bởi nếu không trong năm nay và một vài năm tới mình không còn lúa để làm. Xa hơn nữa, trong 10 năm tới, không còn gì để làm vì nếu duy trì phát triển như hiện nay, nhiệt độ tăng thêm một phần vài trăm của 1 độ C khiến nước biển dâng, không còn đất để trồng lúa.
Thứ hai, hành động phát triển bền vững trong lúa gạo không tốn quá nhiều nguồn lực, đặc biệt là tài chính mà quan trọng cần phải bắt đầu thay đổi. Chỉ có bắt tay tạo hành động mới có thể tạo ra kết quả mới. Việc giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm nước, phân bón và vật tư nông nghiệp không chỉ giảm giá thành cho bà con nông dân mà còn giảm khí thải nhà kính rất lớn. Từ việc thay đổi thói quen canh tác tạo bước đệm để bà con nông dân tiến thêm một bước thực hiện thêm kinh tế tuần hoàn, không để bất kỳ sản phẩm nào của quá trình canh tác trở thành rác thải mà cố gắng tận dụng hết. Chẳng hạn như rơm có thể làm nấm, vật liệu xây dựng; trấu có thể làm than thay thế cho than nhập khẩu… mang lại tác động rất tốt cho môi trường, cho bà con nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và ghi điểm cho xuất khẩu lúa gạo.
- Trân trọng cảm ơn ông!