Đó là mục tiêu của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 về chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn.

TP.HCM và 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn

Liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành 3 khu vực (theo chiều dài sông) để phát triển 17 công viên ven bờ sông, gồm: Khu vực phía Bắc, khu vực trung tâm TP và khu vực phía Nam.

Phát triển 17 công viên dọc bờ sông Sài Gòn

Theo đó, liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity (liên danh tư vấn) vừa có báo cáo lần 3 về việc lấy ý kiến chuyên gia góp ý Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi UBND TP.HCM. Đồ án nêu ra 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn. Trong đó, 3 khu vực phát triển công viên bờ sông.

Cụ thể, theo báo cáo của liên danh tư vấn thì việc lấy không gian ven bờ sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như “trái tim mở rộng” và là vùng trung tâm quan trọng, có giá trị nhất của TP.

Theo đó, dải đô thị bờ sông này sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách. Đây cũng là điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của TP.

Đồng thời, tương lai TP sẽ tổ chức dải công viên công cộng liên tục ven bờ sông, để đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông, kết nối các trung tâm sinh thái - cảnh quan, văn hóa, kinh tế... Trong đó, liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành 3 khu vực (theo chiều dài sông) để phát triển 17 công viên ven bờ sông, gồm: Khu vực phía Bắc, khu vực trung tâm TP và khu vực phía Nam.

Trong đó, khu vực phía Bắc sẽ phát triển bốn công viên ven sông quan trọng, như: Công viên ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng -huyện Củ Chi, công viên trung tâm mới ở quận 12 - huyên Hóc Môn, công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một thoáng Việt Nam -huyện Củ Chi, công viên trung tâm mới tại Phú Hòa Đông - huyện Củ Chi.

Đối với khu vực trung tâm TP có 6 công viên, gồm: Công viên văn hóa Gò Vấp - quận Gò Vấp, Công viên Thủ Thiêm, Công viên chân cầu Phú Mỹ, khu công viên Thanh Đa, Công viên Tam Phú và Công viên Rạch Chiếc - TP Thủ Đức.

Đối với khu vực phía Nam có 7 công viên: Công viên Mũi Đèn Đỏ, Công viên khu Tân Thuận, Công viên Bắc Bình Khánh, Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè), Công viên bến Hiệp Phước, công viên trung tâm đô thị mới và công viên của khu đô thị lấn biển - huyện Cần Giờ.

Với những đề xuất trên, liên danh tư vấn, cho rằng dải đô thị ven sông Sài Gòn sẽ trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách.

TP.HCM và 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 nêu ra 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn. Trong đó, 3 khu vực phát triển công viên bờ sông, gồm: Khu vực phía Bắc, khu vực trung tâm TP và khu vực phía Nam.

… và 7 chiến lược phát triển ven sông Sài Gòn

Đáng chú ý, liên quan đến chiến lược phát triển, các đơn vị tư vấn cho rằng: để sông Sài Gòn thành “trái tim mở rộng” của TP, thì TP cần phải tuân thủ 7 chiến lược phát triển, gồm:

Một là, bảo tồn, phát huy mạng lưới hạ tầng nước nhằm kết nối sông Sài Gòn với mạng lưới các vùng trọng điểm xanh sâu trong nội đô; bố trí bến tàu khách quốc tế tiếp nhận tàu có tải trọng đến trên 100.000 GT (Gross Tonnage - tổng dung tích) tại khu đô thị biển Cần Giờ; bến tàu khách quốc tế Mũi Đèn Đỏ (huyện Nhà Bè) tiếp nhận tàu 60.000 GT; bến tàu khách quốc tế tại cảng Bến Nghé (quận 7) tiếp nhận tàu 30.000 GT…

Hai, bảo tồn và phát huy những vùng xanh sinh thái dọc mạng lưới sông, kênh rạch chính.

Ba, kết nối giao thông đường bộ, tuyến đi xe đạp, đường dạo, giao thông công cộng dọc sông Sài Gòn, trong đó đề xuất làm đường ven bờ sông nối Củ Chi đến cầu Cần Giờ dài gần 70 km. Trong đó, tuyến đường sẽ chia làm sáu đoạn, bắt đầu từ cầu Cần Giờ đi dọc qua các điểm như cầu Phú Mỹ, cầu Khánh Hội, đường Tôn Đức Thắng cầu Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, vành đai 3, cầu Bến Súc và DT 789 ở Củ Chi.

Bốn là, tổ chức các hoạt động vận tải trên sông nước, gồm: vận tải hàng hóa, taxi nước, tàu du lịch, thuyền du lịch cá nhân. Đối với mỗi loại hình bố trí các điểm bến đỗ, âu tàu, khu logistics, khu đóng và sửa chữa tàu thuyền. Ngoài ra còn có các loại hoạt động văn hóa nghệ thuật trên mặt nước để thu hút số lượng lớn du khách, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, bao gồm các sân khấu nước, lửa, nhạc nước…

Năm, tổ chức các loại hoạt động cộng đồng, lễ hội văn hóa, sáng tạo… trong các khu vực xanh, sinh thái lớn dọc sông. Đồng thời tái cấu trúc các công viên lớn hiện hữu, đặc biệt ở khu vực gần sông, để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các hoạt động lễ hội đông người.

Sáu, bố trí những chức năng có tính chất đột phá nhất dọc bờ sông Sài Gòn bao gồm trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, AI, 4.0, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, các dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghệ cao…

Bảy, xác định những vị trí chiến lược làm điểm nhấn đô thị, đặc biệt là các điểm hợp lưu sông và các mũi đất nhô ra dòng sông, tạo thế uốn khúc, có tầm nhìn từ nhiều phía. Những điểm này bao gồm các điểm ngoài khơi, khu lấn biển... các điểm nhấn này vừa là điểm nhấn thị giác, vừa là các điểm dừng của hệ thống thuyền trên sông. Tại các điểm nhấn này nên ưu tiên những công trình hình khối cao tầng.

TP.HCM và 7 chiến lược phát triển đô thị dọc bờ sông Sài Gòn

Bà Phạm Thị Huệ Minh - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 - VIUP, đại diện liên danh tư vấn: Không gian bờ sông Sài Gòn là không gian quan trọng, nhận được sự quan tâm của cả người dân, lãnh đạo TP và các nhà khoa học, chuyên gia.

Lý giải về việc vì sao chọn sông Sài Gòn là mục tiêu phát triển, bà Phạm Thị Huệ Minh - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 - VIUP, đại diện liên danh tư vấn, cho rằng: Không gian bờ sông Sài Gòn là không gian quan trọng, nhận được sự quan tâm của cả người dân, lãnh đạo TP và các nhà khoa học, chuyên gia.

“Chúng tôi khẳng định không gian sông Sài Gòn là một trong những trọng tâm phát triển, mang tính chất đột phá của TP trong thời gian tới. Ngoài ra, không gian bờ sông Sài Gòn là nơi đóng góp và có thể nâng tầm TP.HCM lên, và khó nơi nào có không gian phát triển mà ven sông mà chúng ta đang có. Đó là lý do vì sao chúng tôi đưa ra bảy chiến lược phát triển ven sông Sài Gòn trong đồ án lần này, bà Minh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Minh, với các khu vực phát triển công viên bờ sông (17 công viên), ngoài việc chúng ta có thể cải tạo ngay các khu vực này để tạo ra không gian sống thì chúng tôi cũng đã làm việc với ngành du lịch TP để tiếp thu, kết hợp nhu cầu và nguyện vọng của ngành du lịch để phát triển khu vực bờ sông Sài Gòn.