Xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 không ngoài dự đoán khi gặp khó ngay từ những tháng đầu năm. Đỉnh điểm tháng 1/2023 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giảm đến 48% so với cùng kỳ năm trước, các tháng tiếp theo ngoại trừ tháng 2 cũng đều chứng kiến sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi đã xuất hiện và đến tháng 11/2023 đã có sự tăng trưởng dương trở lại.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng chính như: Xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Về cơ cấu xuất khẩu theo thị trường, tính đến hết 10 tháng năm 2023, thị trường Mỹ sụt giảm mạnh nhất, với 32%, thị trường Trung Quốc giảm 15%, các thị trường còn lại như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều giảm từ 10-20%. Một vài thị trường mới nổi có sự tăng trưởng tuy nhiên đóng góp là không đáng kể. Các thị trường chính sụt giảm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản.
Dưới tác động chung của nền kinh tế, các ngành hàng chủ lực tương tự toàn ngành thuỷ sản cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là vào nửa đầu năm 2023. Theo VASEP, đối với ngành cá tra, tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ.
Nhu cầu yếu tại các thị trường là nguyên nhân chính, nhưng thêm một lý do thách thức đối với ngành cá tra Việt Nam là nhiều nước đang đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá tra. Việc này đe dọa đến vị thế của Việt Nam khi Việt Nam đã không còn vị thế “độc quyền” về cá tra. Do cầu yếu và lượng cung nhiều, giá cá tra xuất khẩu không giữ được giá trị cao như cùng kỳ.
Tương tự, khó khăn cũng đến với ngành xuất khẩu tôm. Tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu tôm ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ. Ngoài nhu cầu yếu, lượng đặt hàng thấp, xuất khẩu tôm gặp cạnh tranh khá mạnh bởi nguồn cung tôm thế giới dư thừa, dẫn đến giá bán giảm.
Đánh giá về triển vọng ngành thủy sản năm 2024, Công ty Chứng khoán KBSV cho biết, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng, với tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023, tuy nhiên so với năm đỉnh điểm 2022 vẫn giảm 13%.
Nguyên nhân ngành thuỷ sản chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ trở lại do: Nhu cầu tại các thị trường chính sẽ chỉ hồi phục chậm; Lượng cung thuỷ sản còn nhiều làm cho giá xuất khẩu khó tăng mạnh và ngành thuỷ sản Việt Nam ngày càng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, cạnh tranh với sản phẩm từ các thị trường khác.
Đối với ngành tôm, KBSV dự báo nguồn cung tôm từ các nước lớn như Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ sẽ bắt đầu thu hẹp trong 6 tháng đầu năm 2024 do người dân thu hẹp diện tích thả nuôi vì thua lỗ. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm 2024, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Với nguồn cung thu hẹp tại các nước sản xuất tôm lớn cùng với nhu cầu hồi phục, kỳ vọng giá tôm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2024.
Đối với ngành cá tra, dự báo lạm phát tại các thị trường chính như Trung Quốc và Mỹ hạ nhiệt cùng với lượng hàng tồn kho giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hồi phục kể từ 6 tháng cuối năm 2024. Kỳ vọng các doanh nghiệp đầu ngành cá tra như VHC, ANV cũng sẽ hồi phục theo xu hướng chung của ngành.