Thị trường gạo vẫn đang ở giai đoạn rất sôi động. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2023 của Việt Nam đã đạt 7,8 triệu tấn, với giá trị kim ngạch 4,4 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, cao nhất trong 34 năm trở lại đây và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đầu năm 2023, mục tiêu của Việt Nam là xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo (tương đương với năm 2022 là 7,1 triệu tấn) nhưng đến hết tháng 11 đã đạt tới 7,8 triệu tấn. Nhiều dự báo cho rằng kết quả cả năm của xuất khẩu gạo sẽ cán mốc lịch sử 8 triệu tấn, giá trị ít nhất 4,6 tỉ USD.
Đáng lưu ý, cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong năm nay giá lúa quá tốt nên vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 bà con nông dân đã tranh thủ xuống giống sớm và lượng tồn kho tuy mỏng nhưng cũng còn.
Mặt khác, có nhiều nhà cung ứng và doanh nghiệp mua vào lúc giá cao chưa xuất được nên vẫn còn tồn kho, nguồn lúa từ Campuchia vẫn được các thương nhân mua về nên tồn kho vẫn còn tuy không cao.
"Năm 2023, có thể nói là một năm rất thành công đối với ngành gạo và là năm mà ngành lúa gạo Việt Nam xác lập 2 kỷ lục mới đó là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng. Thứ hai là sản lượng gạo xuất khẩu lập đỉnh 8 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8 triệu tấn”, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về tình hình lạc quan của xuất khẩu gạo năm 2023, ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT nhận định, tình hình tiếp tục thuận lợi trong tháng cuối năm và nửa đầu năm 2024, tuy nhiên cần tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
Ông V Subramanian, Chuyên gia nghiên cứu thị trường Công ty SSRESOURCE MEDIA (Singapore) cũng nhận định, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thì năm 2024 thị trường sẽ có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, ông khuyến nghị để cập nhật được thông tin về thị trường có thể khai khác từ nhiều nguồn mở trên Internet. Qua đó có thể hiểu được quan hệ cung - cầu trong thời gian tới, hiểu được về xu hướng giá của lúa gạo.
Thực tế xu hướng leo thang những tháng qua của giá gạo được đánh giá là “con dao 2 lưỡi” với doanh nghiệp xuất khẩu, bởi sẽ dễ dẫn đến rủi ro khi doanh nghiệp ký đơn hàng với giá gạo cao và xuất đi với giá thấp. Chưa kể, hiện nay nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thu mua lúa gạo. Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, nếu như doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng lúa thì sẽ chủ động được nguồn cung trong điều kiện diễn biến rất nhanh và bất thường của thị trường lúa gạo như thời gian qua.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, cần vận hành theo chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững.
Để làm được vậy, thứ nhất, cần mở rộng vùng trồng, tăng sản lượng cho xuất khẩu; tiếp tục tổ chức sản xuất lớn bắt đầu từ đơn hàng; xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm cung ứng đầy đủ, theo tiến độ mùa vụ nguồn giống, thuốc, phân, dịch vụ nông nghiệp và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.
Thứ hai, đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế, đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Canada, Australia; triển khai và mở rộng quy mô các mô hình canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP100, mô hình canh tác lúa hữu cơ… giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, nâng cao nhận thức về môi trường và tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
Ngoài ra, cần phát triển gạo chất lượng cao yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vận hành tốt các hệ thống quản lý chất lượng (SMETA, BRCGS, FSMA, HACCP…). Cuối cùng là xây dựng thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.