Đây là một trong những chia sẻ được bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khi đề cập đến các cơ hội, thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc tận dụng ưu đãi từ các FTA mang lại.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi “bơi xa”

Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên 

Theo đánh giá của đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong giai đoạn thị trường thế giới có nhiều biến động, việc thực hiện các FTA đã giúp nền kinh tế Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ…

Với các doanh nghiệp, thị trường FTA mà chúng ta đang tiếp cận đều khó tính, có nhiều tiêu chuẩn cao nhưng bù lại, giá trị gia tăng tốt. Theo thống kê, năm 2022, kinh doanh với các thị trường khu vực Đông Á đang âm 128 tỷ USD nhưng tại thị trường EU, Mỹ, thị trường CPTPP chúng ta lại đang dương 140 tỷ USD. “Đánh bắt xa bờ” có lãi hơn “đánh bắt gần nhà” nên Bộ Công Thương định hướng doanh nghiệp nỗ lực mở rộng thị trường, tận dụng thị trường FTA mang lại nhiều giá trị.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lan Phương cũng nhấn mạnh: để “bơi” được đến những bến bờ xa quả là không dễ dàng. Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu và đây là yêu cầu bắt buộc mang tính không thể không thực hiện được. Thời gian qua, để chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái các ngành hàng tại các tỉnh, thành, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều ngành hàng, doanh nghiệp khác nhau, đại diện Bộ Công Thương đánh giá, nhiều doanh nhân có tầm nhìn, có tình yêu và đam mê sản phẩm Việt.

Đó cũng là những doanh nhân có kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức để xây dựng và định vị thương hiệu sản phẩm Việt cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, các yếu tố trên chỉ là một phần mang lại thành công, các doanh nghiệp có khả năng xây dựng thương hiệu sản phẩm made in Vietnam cạnh tranh trên thị trường FTA cần nguồn trợ lực đính kèm cho sự thành công. Đó chính là nguồn vốn.

Yếu tố quan trọng này cũng đang là rào cản của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết thêm: doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn, tín dụng. Dẫn khảo sát của VCCI năm 2022 ghi nhận khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân gặp phải là tiếp cận tín dụng.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi “bơi xa”

Khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng là nguyên nhân quan trọng và then chốt khiến doanh nghiệp chưa tận dụng tốt các FTA (ảnh minh hoạ)

Ở góc độ khác, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với thị trường thế giới, ở mức từ 25 - 30%  trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại dựa trên cam kết bằng bất động sản. Doanh nghiệp Việt Nam với điều kiện quản trị, quản lý dòng tiền, công nghệ… còn hạn chế, việc chứng minh những điều kiện đó còn khó khăn.

Ngoài ra, qua theo dõi số liệu thống kê từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận các tổ chức tín dụng, ngân hàng có xu hướng giảm. Nếu năm 2017, hơn 49% doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng thì đến năm 2022 còn gần 18%, cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp khó khăn. Các doanh nghiệp SME, doanh nghiệp siêu nhỏ còn khó khăn hơn nữa.

Việc tiếp cận vốn vay khó khăn cũng là rào cản nếu doanh nghiệp muốn đầu tư bài bản hơn, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường FTA để tận dụng lợi thế cạnh tranh.  

Để tiếp cận vốn, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần phân loại nhu cầu về vốn (ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn) để định vị nguồn tiếp cận (ngân hàng, tổ chức tín dụng hay tổ chức quốc tế).

Thứ 2, hiện nay nguồn tài chính từ tổ chức quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi phát triển bền vững, sản xuất xanh, chuyển đổi số để đáp ứng các yêu cầu của thị trường FTA nhưng các doanh nghiệp đang loay hoay tìm hiểu.

Thứ 3, dù có thông tin, đầu mối tiếp cận, doanh nghiệp cần tư vấn để đánh giá quản trị tài chính nội bộ, hệ thống sản xuất, công nghệ… để xác định hệ số tín nhiệm, từ đó ngân hàng và tổ chức tín dụng cho vay xem xét cho vay. Nếu chưa đủ hệ số tín nhiệm, doanh nghiệp cần điều chỉnh, chuyển đổi để đạt điểm chuẩn.