Nhìn nhận sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết cụ thể, vận tải hành khách tiếp tục bị cạnh tranh với phương tiện vận tải hàng không và đường bộ về giá vé, thời gian vận chuyển và sự tiện lợi.
Vận tải hàng hóa cơ cấu luồng hàng vận chuyển thay đổi, làm giảm thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Bên cạnh đó, năng lực vận chuyển còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga.
Trong khi đó, mạng lưới đường sắt Quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức chạy tàu với chiều dài lớn và tải trọng cao, tốc độ khai thác hạn chế.
Năm 2024, VNR đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch được Ủy ban vốn giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt.
Riêng Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, bằng 100,18% so với cùng kỳ, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, VNR kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt giao Tổng công ty lập phương án theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho Tổng công ty các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác, phát huy nguồn lực giảm ngân sách Nhà nước đầu tư.
Để đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Bộ GTVT xem xét việc thực hiện hàn ray liền trên đường sắt hiện hữu như các nước trên thế giới. Trước mắt, ngành có thể xem xét tập trung cho tuyến Hà Nội - Hải Phòng để tổ chức chạy tàu liên vùng đô thị, phục vụ nhu cầu của người dân có thể đi và về trong ngày giữa Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội; tiến tới sẽ thực hiện hàn ray trên các tuyến khác như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh...
Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua, thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuê đất tại các đơn vị.
Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong việc giải quyết thủ tục đất đai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất chưa có hồ sơ pháp lý làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai.