Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập trong báo cáo Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng quý IV/2023, dự báo quý I/2024 do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố.
Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2023 có sự tham gia của 5.749 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 88,4% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) đại diện cho toàn ngành chế biến chế tạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả khảo sát, có 68,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (29,2% tăng, 39,7% giữ nguyên); 31,1% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Theo ngành kinh tế, ngành in, sao chép bản ghi các loại có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý IV/2023 so với quý III/2023 tăng cao nhất với 40,2%. Ngược lại, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỉ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 37,6%.
Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2024 so với quý IV/2023 tăng với 72,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (29,3% tăng, 43,4% giữ nguyên), 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Đối với thị trường xuất khẩu, có 67,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2023 tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (22,4% tăng, 45,0% giữ nguyên), ngược lại tỉ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 32,6%.
Kết quả của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2024 khả quan hơn với 71,4% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023 (24,6% tăng, 46,8% giữ nguyên); 28,6% doanh nghiệp dự báo giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2023 đã phục hồi tích cực hơn quý trước nhưng tốc độ phục hồi còn chậm. Doanh nghiệp ngoài nhà nước với chỉ số cân bằng chung là 4,7% khả quan hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI (chỉ số cân bằng chung doanh nghiệp nhà nước và FDI lần lượt là -2,7% và -5,6%).
Một số ngành có tín hiệu hồi phục nhanh hơn các ngành khác như: ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định quý IV/2023 tăng so với quý III/2023 cao hơn so với các ngành khác ở các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động”. Ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định quý IV/2023 tăng so với quý III/2023 cao hơn so với các ngành khác ở các yếu tố “khối lượng sản xuất” và “sử dụng lao động”. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định quý IV/2023 tăng so với quý III/2023 cao hơn so với các ngành khác ở các yếu tố “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động”.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo khảo sát, trong quý IV/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 58,2% và 49,8%. Trong khi đó, yếu tố “lãi suất vay vốn cao” có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 21,5%, giảm 5,7% so với quý III/2023.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm tiếp theo, các doanh nghiệp kiến nghị các địa phương hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề lao động nói chung và tay nghề lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng.
Doanh nghiệp mong muốn các địa phương tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất để mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến, chế tạo; Chính phủ và các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông hàng hóa trong nước, quốc tế và có các biện pháp nhằm ổn định giá nhiên liệu, năng lượng.