Nhiều khó khăn
Theo đại diện một số doanh nghiệp may mặc, đơn hàng dệt may giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng hậu COVID-19, thị trường các nước nhập khẩu tiêu thụ chậm. Đặc biệt do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới, người dân hạn chế mua sắm, nhất là các mặt hàng thời trang. Để khắc phục khó khăn này, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu phải tìm đơn hàng, đối tác mới để duy trì việc làm cho người lao động. Đối với doanh nghiệp may mặc có hoạt động tiêu thụ nội địa thì đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị phần trong nước để bù lại một phần đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm.
Để có việc làm ổn định cho người lao động chính của công ty, Công ty TNHH May xuất khẩu Bình Minh đang tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng mới. Mặc dù các đơn hàng bị giảm nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì ổn định số lượng lao động. Thu nhập của người lao động tuy không bị giảm nhưng doanh thu của doanh nghiệp đang bị giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.
Đại diện Công ty CP May II Hải Dương cho hay, thiếu đơn hàng là tình trạng chung hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp mong muốn có những chính sách hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp cũng cần phải chủ động ứng phó, bám sát thông tin về diễn biến thị trường xuất khẩu để có những điều chỉnh phù hợp, chuyển đổi, đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất, điều chỉnh phù hợp giữa các bộ phận trong thời gian tìm các đơn hàng mới.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương năm nay ước đạt 9 tỷ 801 triệu USD, giảm 6,3% so với năm 2022. Do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn giá trị xuất khẩu giảm nhiều như hàng dệt may giảm 8,6%; giày dép giảm 7,5%; xi măng, sắt thép giảm 3,8%; linh kiện điện tử, máy văn phòng giảm 2,4%...
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Tuấn Anh (Thanh Miện): Là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm may mặc xuất sang thị trường Nhật Bản nên công ty gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát và lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi hơn nhờ thực hiện nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Tơ, cán bộ quản lý công ty cho biết: Sau một thời gian phải co kéo sản xuất vì thị trường tiêu thụ thu hẹp, đã lấy lại được đà tăng trưởng. Theo chị Tơ nếu như những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp phải vất vả xoay xở, tìm kiếm đơn hàng thì nửa cuối năm hoạt động sản xuất, kinh doanh sáng dần lên. Vì thế sản lượng xuất khẩu cả năm 2023 vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tháng 12 là thời gian cao điểm sản xuất, sản lượng tăng 25% so với đầu năm. Đơn hàng tăng nên doanh nghiệp phải bố trí tăng ca. Nhờ vậy mà thu nhập của công nhân cao và ổn định hơn, trung bình khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.
Vượt bão
Vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Hàn Quốc nên Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát (TP Hải Dương) từng có thời gian phải cắt giảm nhân lực do đơn hàng giảm. Song hiện nay, doanh nghiệp đã dần ổn định sản xuất, kinh doanh trở lại.
Theo ông Hà Văn Mạnh - Tổng Giám đốc công ty, doanh nghiệp đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Từ thu hẹp sản xuất trong các năm 2021, 2022 và nửa đầu năm 2023, đơn vị đã bắt nhịp trở lại. Hiện lượng đơn hàng tăng từ 20-30% so với thời điểm cuối năm 2022. Doanh nghiệp cũng có đối tác đặt hàng tới giữa năm 2024. Từ chỗ phải giảm lao động, đóng cửa 1 xưởng sản xuất, nay doanh nghiệp đã trở lại quy mô sản xuất cũ và thực hiện tăng ca.
“Trước đây, công ty chuyên sản xuất đồ bảo hộ, phục vụ xuất khẩu. Do đó, khi thị trường này gặp biến cố, hoạt động sản xuất. kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Để phân tán rủi ro, ngoài phát triển đối tác nước ngoài, công ty cũng tìm kiếm các đơn hàng trong nước”, ông Mạnh thông tin thêm.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp, ngành may của Hải Dương chịu tác động lớn của suy thoái kinh tế toàn cầu do hầu hết sản lượng đều phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Lạm phát tăng cao khiến người dân các nước này thắt chặt chi tiêu. May mặc là mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu mua sắm sụt giảm.
Mặt khác, Trung Quốc trở lại sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi nhu cầu còn thấp, gây áp lực lớn lên giá sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp may trong tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành này bị thiếu hụt đơn hàng, công nhân phải nghỉ việc hoặc làm luân phiên. Song nửa cuối năm 2023, ngành may có dấu hiệu phục hồi khi lượng đơn hàng bắt đầu tăng trở lại.
Theo Cục Thống kê tỉnh, từ quý III năm 2023, các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng quý IV, chỉ số sản xuất của ngành may tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm, ngành may của tỉnh vẫn giảm 2,8%.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp may trong tỉnh, dù có tín hiệu khả quan nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và chưa bền vững. Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao nên đơn hàng may mặc cũng vì thế tăng lên. Đơn hàng tăng theo tính thời vụ chỉ phản ánh một phần tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp may.
Theo đại diện Công ty TNHH Babeeni Việt Nam chi nhánh Hải Dương, đơn vị chuyên sản xuất hàng thời trang trẻ em xuất khẩu, dù tình hình có phấn khởi, khả quan hơn nhưng thời gian tới, doanh nghiệp may vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Vì thế, để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân, lao động, các doanh nghiệp cần linh hoạt điều hành sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm. Từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp chủ động về nguồn nguyên liệu để đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất. Từ đó, tận dụng tốt các cơ hội trong bối cảnh khó khăn chung để giảm bớt áp lực, chờ thị trường hồi phục hoàn toàn.