Ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, đơn vị tư vấn cảng Trần Đề cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại Trần Đề.
Theo đó, để tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu mà trọng tâm là giảm chi phí logistics của các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, trong đó vùng hấp dẫn trực tiếp là 8 địa phương gồm: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, việc đầu tư cảng Trần Đề là hết sức cần thiết.
Từ sự cần thiết của dự án, đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải chi nhánh TP.HCM đưa ra phương án tổng diện tích quy hoạch 1.082ha đến năm 2028 và năm 2050 là 4.435ha. Trong đó, bến cảng ngoài khơi vào năm 2028 là 81,6ha và nâng lên 435ha vào năm 2050.
Đối với khu dịch vụ hậu cần và logistics, đơn vị tư vấn đưa ra diện tích 1.000ha vào năm 2028 và năm 2050 là 4.000ha. Ngoài cầu cảng gồm bến ngoài khơi và bến tiếp chuyển trong bờ, dự án còn có kè chắn sóng và cầu vượt biển dài gần 18km.
Sau khi hình thành cảng đầu mối vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề, theo cự ly và chi phí vận tải, vùng hấp dẫn trực tiếp bến cảng này là 8 tỉnh, thành: Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Với quy mô đặc biệt lớn của cảng Trần Đề, báo cáo tiền khả thi đưa ra tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành là 153.896 tỷ đồng nếu cát được khai thác tại mỏ. Nhưng nếu đầu tư theo giá cát thị trường thì tổng mức đầu tư của cảng Trần Đề có thể lên đến 186.365 tỷ đồng.
Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho cảng Trần Đề, ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng khẳng định đủ điều kiện.
Theo ông Chân, diện tích rừng phòng hộ và đất lấn biển chiếm diện tích lớn và diện tích này không mất tiền bồi thường.
Đối với nguồn vốn giải phóng mặt bằng đất ở nông thôn và các loại đất còn lại (98ha đất nuôi trồng thủy sản và gần 30ha đất ở nông thôn…), ông Chân nói rằng sẽ sử dụng từ 2.000 tỷ đồng trong khai thác cát biển trong tương lai.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn xác định cảng biển Trần Đề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng và cả vùng ĐBSCL. Do đó, tỉnh đã dồn sức quyết liệt, quan tâm, xúc tiến và tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai dự án.
Ông Lâm Văn Mẫn đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với UBND tỉnh và các bộ, ngành thúc đẩy các quy hoạch liên quan đến cảng biển Trần Đề để đảm bảo các điều kiện pháp lý, đảm bảo dự án sớm được phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu. Quá trình thực hiện phải nghiên cứu kỹ quy định pháp luật, tránh những rủi ro không đáng có, nếu có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp các sở, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu trình HĐND tỉnh vào tháng 6.2024. Sau đó, UBND tỉnh hoặc thông qua Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng từng cho biết, đầu tư vào dự án cảng nước sâu Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định.
“Theo quy hoạch, diện tích khu cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…”, ông Lâu chia sẻ.