ST Telemedia Global Data Centres (STT) của Singapore và Tập đoàn VNG (VNG) của Việt Nam vừa công bố hợp tác về xây dựng và vận hành các dự án trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM, Việt Nam. STT được biết đến là một trong những nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu có tốc độ mở rộng nhanh nhất thế giới hiện nay.
Bài toán và tham vọng của VNG
Theo đó, thỏa thuận này bao gồm việc tiếp tục vận hành Trung tâm dữ liệu STT VNG Ho Chi Minh City 1 (trước đây là VNG Data Center, tại Khu chế xuất Tân Thuận) và thành lập một Trung tâm dữ liệu mới với tên gọi STT VNG Ho Chi Minh City 2, cũng đặt tại Khu chế xuất Tân Thuận và cách cơ sở đầu tiên 1.5km. Trung tâm dữ liệu số 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026.
Trên thực tế, cú bắt tay giữa STT và VNG ở thời điểm hiện tại được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho các sản phẩm và dịch vụ của VNG mở rộng ra khu vực, đồng thời đây cũng là nền tảng hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, thông qua việc thiết lập và phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt chuẩn quốc tế.
Tổng Giám đốc VNG, ông Lê Hồng Minh nhận định, nhu cầu về Trung tâm dữ liệu ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới do nhu cầu điện toán đám mây và sự cường điệu của làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh đó, nhà sản xuất trò chơi hàng đầu Việt Nam cũng muốn đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, do không đủ nguồn lực và chi phí, họ buộc phải tìm đối tác đủ lớn để xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, vừa phục vụ nhu cầu trong nước và phát triển ra thị trường toàn cầu.
“Lĩnh vực Trung tâm dữ liệu ở Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ, thiếu sự tham gia của nhiều bên. Hạ tầng Trung tâm dữ liệu ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. VNG dù có rất nhiều tham vọng nhưng chúng tôi hiểu rằng một mình thì không thể thực hiện được những mục tiêu lớn đó”, người đứng đầu VNG chia sẻ với truyền thông.
Cơ hội và thách thức từ thị trường?
Theo hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) 10,68% trong giai đoạn 2022 - 2028, tăng từ 561 triệu USD năm 2022 lên 1,037 tỷ USD năm 2028. Trong khi theo một báo cáo mới nhất của Viettel IDC, nhà cung cấp dịch vụ Trung tâm dữ liệu & Điện toán đám mây hàng đầu Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được dự báo sẽ đạt 1,26 tỷ USD vào năm 2030, với CARG 10,8%.
Sự tăng trưởng đó đang thúc đẩy việc mở rộng đáng kể của các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó có VNG. Tuy nhiên, tham vọng là thế nhưng VNG và các nhà cung cấp dịch vụ khác tại Việt Nam có thể đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi nhìn vào thực trạng lĩnh vực trung tâm dữ liệu của Việt Nam. Báo cáo của Viettel IDC cũng cho thấy, thị phần của cả dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây hầu hết đều do doanh nghiệp nước ngoài thống trị.
Bên cạnh đó, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam cũng đang tụt hậu so khá xa với các nước khác trong khu vực. Hiện tại, quy mô thị trường của Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với Singapore, Malaysia và Indonesia. Chỉ tính trong vòng ba năm (2020 - 2022), thị trường trung tâm dữ liệu ở Indonesia và Malaysia đã tăng trưởng khoảng 6 lần, trong khi Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5 lần.
Gần đây, gã khổng lồ Microsoft đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực bằng việc cam kết đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI ở Malaysia. Trong khi đó, Amazon, đối thủ lớn nhất của Microsoft trong lĩnh vực điện toán đám mây, mới đây cũng đã cam kết đầu tư thêm 9 tỷ USD để mở rộng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây tại Singapore.
Rõ ràng, bất chấp những cơ hội tiềm năng và động lực thị trường, sự tăng trưởng của Việt Nam vẫn tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn còn đáng kể cho các công ty trong nước, đặc biệt khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành các chính sách quản lý về việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân.
Như vậy, việc bắt tay với nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu hàng đầu thế giới như STT, thời điểm này VNG có thể có những toan tính của riêng mình khi một mặt đưa sản phẩm và dịch vụ của VNG ra thị trường quốc tế, đồng thời đưa công nghệ AI Cloud tới gần hơn với các doanh nghiệp trong nước và khu vực, đón đầu xu hướng then chốt của nền kinh tế số Việt Nam.